Thiếu nữ Mông khởi nghiệp thành công
11/03/2022
Dám quyết đoán, từ bỏ ngành y để lập
nghiệp theo hướng khác, bằng nhiệt huyết và đam mê, cô gái 9X dân tộc Mông đã
trở thành nữ giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Trung Kiên và Phó giám đốc 2 HTX
nông nghiệp khác khi tuổi đời còn rất trẻ.

Chị Ma Thị Chú Giới thiệu sản phẩm cho đoàn viên thanh niên
Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Mường
Khương còn nhiều khó khăn, ngay từ khi còn nhỏ chị Ma Thị Chú đã thấu hiểu được
nỗi nhọc nhằn vất vả của bố mẹ và đồng bào Mông quê mình. Chính điều đó đã thôi
thúc trong cô một ý chí quyết tâm mãnh liệt, là làm sao để gia đình đỡ khó
khăn, và những thanh niên đang độ tuổi lao động có việc làm ổn định. Với tài
buôn bán giỏi từ việc Thành lập HTX Nông nghiệp Trung Kiên chuyên thương mại
các sản phẩm nông sản, đặc sản của địa phương chị đã giúp cho việc tiêu thụ các
mặt hàng nông sản của người dân được dễ dàng hơn. Từ đó góp phần giải quyết vấn
đề tìm đầu ra cho các sản phẩm nông sản, đồng thời quảng bá sản phẩm của người
dân đến với các thị trường xa hơn. Với thành công đó, chị Chú bắt đầu bước chân
sâu hơn vào lĩnh vực nông nghiệp. Chị cùng vài người nữa lại tiếp tục lập nên
HTX Châu Thịnh Phong, chuyên về trồng chuối và sản xuất cây con giống và xuất
khẩu chuối.

Công nhân bóc quýt

Máy nấu rượu
Với tinh thần lạc quan, luôn tự học hỏi và trau dồi kỹ năng cho mình, bản thân chị đã lăn xả với các chị em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn chuyên thu mua nông sản không xuất khẩu được để chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm đa dạng như: rượu, siro, tinh dầu… Đó cũng chính là HTX thứ 3 - HTX Cộng đồng chuyên chế biến sâu do chị làm Phó Giám đốc. Hiện, sản phẩm chủ lực mà HTX này đang sản xuất chính là rượu quýt, rượu mận, các loại siro quýt, tương ớt và tinh dầu được chiết xuất từ vỏ quýt. Hàng năm HTX này sản xuất được 200 nghìn lít rượu, trong đó có 70 nghìn lít rượu chuối, 50 nghìn lít rượu mận, 80 nghìn lít rượu quýt và rượu gạo men lá. Với hiệu suất làm việc như vậy hàng năm HTX của chị chú đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương làm việc theo mùa vụ. 12 công nhân với độ tuổi thanh niên làm việc theo hợp đồng dài hạn với mức lương từ 8 đến 10 triệu đồng.

Tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động thanh niên tại địa phương
Mặc dù đã có những thuận lợi nhất định, song khi dịch Covid-19 bùng phát thì việc làm ăn, kinh doanh của chị cũng gặp không ít khó khăn. Cũng chính trong hoàn cảnh này, tố chất nhanh nhạy của chị lại một lần nữa được phát huy. Các mặt hàng sản xuất được thay vì tiếp thị trực tiếp như trước đây đã được Chị chuyển sang bán online. Rồi thường xuyên livestream để giới thiệu và chào hàng. Cùng với đó tích cực đào tạo thêm một đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp trong việc chốt đơn hàng, đóng hàng và bán hàng online.

Chị Ma Thị Chú giới thiệu vườn quýt cho đoàn viên thanh niên
Tuy
đã có những thành công nhất định, song chị Chú vẫn còn rất nhiều mục tiêu phía
trước. Bởi những trăn trở, làm sao để tạo công ăn việc làm cho nhiều thanh niên
hơn nữa. Từ đó cũng sẽ giảm tải những khó khăn của người dân Mường Khương trong
việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Phương Sửu - Cao Chung, Trung tâm Văn hóa, TT-TT huyện Mường Khương (5)