Tháng 8 Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách quan trọng

1. Phê duyệt hơn 250.000 biên chế công chức năm 2019

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1016/QĐ-TTg phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ NSNN của các CQHC nhà nước và biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước năm 2019.

Cụ thể, tổng biên chế công chức năm 2019 được phê duyệt như sau:

- Biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước: 258.163 biên chế, trong đó:

+ Cơ quan, tổ chức hành chính thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập: 105.189 biên chế.

+ Cơ quan, tổ chức hành chính thuộc cơ quan của Hội đồng nhân dân, UBND cấp tỉnh, huyện: 151.906 biên chế.

+ Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài: 1.068 biên chế.

- Biên chế công chức dự phòng: 749 biên chế.

- Tổng biên chế của các Hội có tính chất đặc thù: 686 biên chế.

Quyết định 1016/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/8/2019.

2. Kế hoạch triển khai thi hành Luật Quốc phòng 2018

Ngày 08/8/2018, Thủ tướng ban hành Quyết định 987/QĐ-TTg về kế hoạch thi hành triển khai Luật Quốc phòng 2018. Theo đó:

- Trong tháng 8/2018 các Bộ, ngành, địa phương  rà soát văn bản pháp luật về quốc phòng, các văn bản liên quan để tổng hợp, bổ sung, thay thế, ban hành mới các văn bản phù hợp với Luật.

- Xây dựng văn bản thi hành pháp luật:

+ Các bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng, trình Chính phủ ban hành các nghị định về thi hành luật và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án triển khai thực hiện Luật.

+ Các bộ, ngành và địa phương sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản phù hợp với Luật và các Nghị định của Chính phủ.

- Tuyên truyền, phổ biến từng đối tượng nhằm nâng cao trách nhiệm xây dựng nền quốc phòng toàn dân và tập huấn Luật cho cán bộ để nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, triển khai thi hành Luật.

+ Bộ Quốc phòng chủ trì và phối hợp với tổ chức có liên quan thực hiện kế hoạch này trong năm 2018 và các năm tiếp theo.

Quyết định 987/QĐ-TTg có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

3. Tăng số lượng ngành trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam

Quyết định 27/2018/QĐ-TTg Ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 20/8/2018.

Theo đó, Danh mục Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam gồm 05 cấp sau:

- Ngành cấp 1 gồm 21 ngành được mã hóa theo bảng chữ cái lần lượt từ A đến U;

- Ngành cấp 2 gồm 88 ngành; mỗi ngành được mã hóa bằng hai số theo ngành cấp 1 tương ứng;

- Ngành cấp 3 gồm 242 ngành; mỗi ngành được mã hóa bằng ba số theo ngành cấp 2 tương ứng;

- Ngành cấp 4 gồm 486 ngành (tăng 49 ngành); mỗi ngành được mã hóa bằng bốn số theo ngành cấp 3 tương ứng;

- Ngành cấp 5 gồm 734 ngành (tăng 92 ngành); mỗi ngành được mã hóa bằng năm số theo ngành cấp 4 tương ứng.

Nội dung hệ thống ngành kinh tế Việt Nam giải thích rõ những hoạt động kinh tế gồm các yếu tố được xếp vào từng bộ phận, trong đó:

- Bao gồm: Những hoạt động kinh tế được xác định trong ngành kinh tế;

- Loại trừ: Những hoạt động kinh tế không được xác định trong ngành kinh tế nhưng thuộc các ngành kinh tế khác.

Quyết định 10/2007/QĐ-TTg hết hiệu lực từ ngày Quyết định 27/2018/QĐ-TTg có hiệu lực.

4. Đến 2025, giảm tỷ trọng thanh toán tiền mặt còn dưới 8%

Ngày 08/8/2018, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 986/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến 2025, định hướng đến 2030.

Theo đó, mục tiêu cụ thể của Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến 2025, định hướng đến 2030 cần đạt được như sau:

- Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, tối ưu hóa mạng lưới ATM, phấn đấu đến cuối năm 2020 tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán đạt mức dưới 10%, đến cuối năm 2025 là dưới 8%.

- Tăng cường năng lực thể chế, hiệu quả thanh tra giám sát ngân hàng của ngân hàng nhà nước (NHNN).

- Tăng tính độc lập, chủ động và trách nhiệm giải trình của NHNN về mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát, giảm tỷ lệ tín dụng ngoại tệ/ tổng tín dụng.

- Tăng số lượng doanh nghiệp và người dân tiếp cận với các dịch vụ tài chính, ngân hàng do các tổ chức tín dụng cung ứng.

- Phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng phù hợp với điều kiện KT- XH trong từng giai đoạn.

Quyết định 986/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày ký.

5. Danh mục đơn vị hành chính cấp xã thuộc vùng khó khăn 2018

Quyết định 1010/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 ban hành đơn vị hành chính cấp xã thuộc vùng khó khăn bao gồm:

(1) Các xã là khu vực III, II ban hành kèm theo Quyết định 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017.

(2) Các xã có tên trong danh sách kèm theo Quyết định 900/TTg ngày 20/6/2017; không bao gồm:

- Xã khu vực I thuộc Quyết định 582;

- Xã khu vực II thuộc Quyết định 582 đã đạt chuẩn nông thôn mới, xã an toàn khu, xã biên giới thuộc vùng đồng bằng và các xã tại mục (1) nêu trên.

(3) Các xã có tên trong danh sách kèm theo Nghị định 34/2014/NĐ-CP; không bao gồm:

- Xã khu vực I thuộc Quyết định 582;

- Xã khu vực II thuộc Quyết định 582 đã đạt chuẩn nông thôn mới, xã thuộc vùng đồng bằng và các xã tại mục (1) và (2) nêu trên.

(4) Các xã có tên trong danh sách kèm theo Quyết định 131/QĐ-TTg ngày 25/01/2017; trong đó không bao gồm:

- Xã khu vực I thuộc Quyết định 582;

- Xã khu vực II thuộc Quyết định 582 đã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã tại mục (1), (2) và (3) nêu trên.

(5) Các xã được SĐ, BS hoặc thay thế (nếu có) của danh sách kèm theo Quyết định 582, 900, 131 và Nghị định 34.

(6) Đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các xã khu vực II đã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục được hưởng các chính sách như đơn vị hành chính cấp xã thuộc vùng khó khăn.

Quyết định 1010/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày ký ban hành.

6. Đến năm 2025 sẽ nâng cao nghiệp vụ đo lường của 10.000 cán bộ

Thủ tướng ban hành Quyết định 996/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ DN Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế đến 2025, định hướng đến 2030" (Đề án).

Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 của Đề án gồm:

- Bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường ít nhất 10.000 cán bộ tham gia hoạt động đo lường;

- Phát triển hạ tầng đo lường quốc gia đáp ứng công nhận đủ 41 chuẩn đo lường quốc gia theo quy hoạch đã được phê duyệt;

- Công nhận ít nhất 200 phép đo hiệu chuẩn được quốc tế thừa nhận trong khuôn khổ Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau toàn cầu về đo lường (CIPM-MRA);

- Thống nhất chung định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật đo lường từ cấp quốc gia đến cấp bộ ngành, địa phương;

- Phát triển được ít nhất 100 chất chuẩn, chuẩn đo lường, phương tiện đo các loại đáp ứng nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho doanh nghiệp;

- Triển khai Chương trình đảm bảo đo lường thông qua hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường và hoạt động xây dựng phương pháp đo cho ít nhất 50.000 doanh nghiệp;…

Quyết định 996/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 10/8/2018.

7. Triển khai các giải pháp an toàn giao thông trong dịp lễ 2/9

Thủ tướng Chính phủ vừa ra Công điện 1038/CĐ-TTg về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong thời gian Lễ Quốc khánh 2/9 và khai giảng năm học mới 2018 - 2019.

Theo đó,  Thủ tướng chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp an toàn giao thông như sau:

- Nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách, nhất là tại các tuyến kết nối với Hà Nội và Hồ Chí Minh, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp lễ, xử lý nghiêm các trường hợp tăng giá trái quy định.

- Có phương án phối hợp liên ngành giữa các địa phương để điều tiết giao thông hợp lý, kịp thời giải quyết các sự cố không để ùn tắc giao thông kéo dài tại các đầu mối giao thông trọng điểm.

- UBND địa phương phối hợp với lực lượng chức năng hướng dẫn giao thông tại vị trí có đường dân sinh, lối đi tự mở, đường ngang đường sắt mất an toàn giao thông trên địa bàn.

- Triển khai “Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường - tháng 9”; nhà trường, gia đình và học sinh phải ký cam kết chấp hành quy định an toàn giao thông. (số 3)

Công điện 1038/CĐ-TTg ban hành ngày 13/8/2018.

8. Thủ tục đề xuất ký thỏa thuận nhân danh Nhà nước

Quyết định 36/2018/QĐ-TTg về thủ tục ký kết, thực hiện thỏa thuận nhân danh Chính phủ và kiến nghị Chủ tịch nước quyết định ký kết thỏa thuận nhân danh Nhà nước không phải là điều ước quốc tế được ban hành ngày 24/8/2018.

Theo đó, đề xuất ký thỏa thuận nhân dân Nhà nước không phải là điều ước quốc tế được thực hiện như sau:

- Cơ quan đề xuất gửi hồ sơ lấy ý kiến Bộ Ngoại giao và cơ quan, tổ chức có liên quan về việc ký, thông qua, sửa đổi, bổ sung, tạm đình chỉ thực hiện, chấm dứt, từ bỏ hoặc rút khỏi thỏa thuận;

- Cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ lấy ý kiến;

- Cơ quan đề xuất kiến nghị Chính phủ trình Chủ tịch nước quyết định đối với thỏa thuận sau khi hoàn thiện hồ sơ trên cơ sở góp ý kiến của cơ quan được lấy ý kiến;

- Trên cơ sở quyết định bằng văn bản của cấp có thẩm quyền, cơ quan đề xuất tổ chức việc ký, thông qua, sửa đổi, bổ sung, tạm đình chỉ thực hiện, chấm dứt, từ bỏ hoặc rút khỏi thỏa thuận.

Quyết định 36/2018/QĐ-TTg bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/10/2018.

9. Bắt buộc có dây an toàn cho mọi ghế trên xe ô tô chở người

Thủ tướng Chính phủ vừa ra Chỉ thị 24/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện các biện pháp cấp bách bảo đảm trật tự, an toàn trong hoạt động giao thông vận tải đường bộ.

Theo đó, thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông đường bộ nghiêm trọng; nguyên nhân chính là do hành vi vi phạm quy định về trật tự, an toàn giao thông của lái xe, chủ xe.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ GTVT thực hiện các nhiệm vụ như:

- Bổ sung quy định bắt buộc trang bị dây an toàn đối với tất cả các ghế ngồi trên xe ô tô chở người, có lộ trình áp dụng đối với phương tiện đang lưu hành.

- Khẩn trương nghiên cứu, bổ sung quy định tem kiểm định có màu sắc, hình dạng riêng đối với xe ô tô kinh doanh vận tải.

- Sửa đổi quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông trên đường bộ, đặc biệt là hạn chế tốc độ trên các cung đường đèo, dốc và đường qua khu dân cư…

Chỉ thị 24/CT-TTg ban hành ngày 23/8/2018.

10. Kết nối các cơ sở cung ứng thuốc trên toàn quốc từ tháng 9/2018

Đây là nội dung nổi bật được nêu tại Chỉ thị 23/CT-TTg về tăng cường quản lý, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc.

Theo đó, nhằm tăng cường hiệu quả quản lý việc cung cấp, phân phối thuốc vì lợi ích của người dân, bảo đảm công khai, minh bạch trong quản lý thuốc, Bộ Y tế chịu trách nhiệm:

- Triển khai kết nối các cơ sở cung ứng thuốc trên toàn quốc từ tháng 9/2018; hoàn thành đối với cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc, nhà thuốc, tủ thuốc trạm y tế xã trong năm 2018;

- Triển khai các biện pháp nhằm thống nhất quản lý đối với hệ thống phân phối thuốc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người kinh doanh theo quy định;

- Ban hành quy định về kê đơn thuốc điện tử đồng bộ với việc kết nối các cơ sở cung ứng thuốc để bảo đảm việc kiểm soát kê đơn và bán thuốc theo đơn;

- Thường xuyên tổng hợp, cập nhật, phổ biến thông tin về sản phẩm thuốc, nguồn gốc xuất xứ, giá cả,… thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia;

- Tăng cường thanh kiểm tra các cơ sở cung ứng thuốc, xử lý nghiêm các vi phạm…

Xem nội dung chi tiết tại Chỉ thị 23/CT-TTg ban hành ngày 23/8/2018.

1 2 
Văn bản mới
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập