Lạp Sườn – Hương vị vùng cao

          Ở Mường Khương, món lạp sườn do người Nùng Dín làm ra nổi tiếng, có giá trị thương phẩm cao bởi cách chế biến cầu kỳ và cách cất giữ bảo đảm. Đó là món ăn ngon đặc biệt vì nó được chế biến bằng thịt lợn Mường Khương nổi tiếng. Hơn nữa, vì người chế biến sử dụng bã mía làm củi để sấy thành phẩm nên lạp sườn ở đây thơm đậm đà và vàng óng như mật ong rừng, khiến những thực khách một lần được ăn là nhớ mãi.

Lạp Sườn – Hương vị hấp dẫn của người vùng cao Mường Khương

          Gia đình Chị Hoàng Thị Thượng - Tổ dân phố Hàm Rồng - Thị trấn Mường Khương là hộ có truyền thống làm lạp sườn thương phẩm từ nhiều năm nay. Khách phải đặt hàng trước nhiều tháng gia đình chị mới kịp làm để giao hàng. Chị Thượng cho biết: "Lạp sườn thường làm vào dịp cuối năm khi thời tiết thay đổi chuyển lạnh, để quanh năm không hỏng, ăn quanh năm lúc nào cũng thấy ngon". Để có lạp sườn ngon, theo chị Thượng, quan trọng nhất là chọn được thịt lợn đủ tiêu chuẩn và chỉ có lợn đen Mường Khương mới đủ tiêu chuẩn, thịt thơm và chắc nịch như khúc giò. Sau khi chọn được thịt lợn ngon, người dân chế biến lạp sườn bằng cách đem lòng lợn non rửa sạch và lộn thành lòng vào trong, để làm vỏ bao bọc bên ngoài của lạp sườn. Để nhân lạp sườn được ngon thì phải chọn loại thịt nửa nạc nửa mỡ. Thịt sẽ được lạng bỏ lớp bì, rồi thái miếng vừa phải, tất cả được băm nhỏ và tẩm ướp gia vị, cùng hương liệu cay nóng là hạt giổi, thảo quả, mắc khén, tẩm rượu trộn đều để đủ thời gian cho lên men, hương liệu và muối ngấm đều, ngấm sâu vào từng dẻo thịt thớ mỡ. Theo chị Thượng: Ngon hay không quyết định ở công đoạn này do tỉ lệ pha trộn và thời gian ướp ủ. Đó là bí quyết của từng nhà.

Gia đình Chị Hoàng Thị Thượng - Tổ dân phố Hàm Rồng - Thị trấn Mường Khương là hộ có truyền thống làm lạp sườn thương phẩm từ nhiều năm nay

          Người dân Mường Khương thường dùng bã mía để hun lạp sườn. Khói và hơi nóng của bếp lửa qua từng ngày làm cho miếng thịt săn hơn, chuyển dần sang màu vàng óng thành lớp bảo vệ vững chắc chống nấm mốc ôi thiu. Nhờ các công đoạn chế biến cầu kỳ, tỉ mỉ, món ăn này mang vị cay nồng ấm của gia vị núi rừng, vị thơm bùi, béo ngậy của thịt lợn đen và chút đậm ngọt của hương mía. Lạp sườn treo gác bếp cho người thưởng thức thấy được nét tinh tế trong văn hóa ẩm thực của người vùng cao Mường Khương. Như mọi năm các hộ gia đình làm lạp sườn thương phẩm tại Mường Khương thường bán ra thị trường với giá từ 300 - 350 ngàn đồng/kg. Trung bình mỗi nhà làm lạp sườn bán ra khoảng 200 – 300 kg mỗi năm. Sản phẩm đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

 

Trung bình mỗi nhà làm lạp sườn bán ra khoảng 200 – 300 kg mỗi năm. Sản phẩm đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương

          Không còn gì tuyệt vời hơn những ngày se lạnh, bạn cùng quây quần bên người thân, bạn bè, nhắm nhót lạp sườn chiên, nướng với rượu ngô của người vùng cao. Cảm giác mặn, cay sẽ không còn nữa mà chỉ còn hương vị hài hòa của ẩm thực đặc trưng vùng cao.

 

Kim Huệ - Văn Phà - Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Truyền thông huyện (4)
1 2 
Văn bản mới
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập