Mô hình chăn nuôi lợn thịt bản địa an toàn dịch bệnh, hiệu quả dựa vào quản lý cộng đồng tại xã Bản Sen được triển khai từ tháng 4 năm 2022 đến tháng 12 năm 2023 với 36 hộ dân tại thôn Bản Sen và thôn Na Nối tham gia; quy mô 180 con lợn đen bản địa. Tham gia mô hình, các hộ dân bỏ vốn mua lợn giống vắc xin, chuồng trại, công lao động và các loại vật tư thiết yếu khác; 30% thức ăn hỗn hợp, hóa chất sát trùng, thuốc tẩy ký sinh trùng và chế phẩm sinh học; được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm. Còn lại Nhà nước hỗ trợ 70% thức ăn hỗn hợp, hoá chất sát trùng, thuốc tẩy ký sinh trùng và chế phẩm sinh học; 100% kinh phí tập huấn kỹ thuật, nghiên cứu học tập, quản lý giám sát, tổng kết đánh giá nhân rộng mô hình.
Mô hình chăn nuôi lợn thịt bản địa an toàn dịch bệnh
Trong thời gian triển khai mô hình, đàn lợn được chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng dịch đảm bảo quy trình kỹ thuật; chuồng trại luôn khô ráo, sạch sẽ, chất thải được thu gom xử lý theo đúng quy trình; chuồng trại và xung quanh thường xuyên được phun vệ sinh tiêu độc khử trùng nên lợn khỏe mạnh, tăng trọng nhanh, hạn chế dịch bệnh gây hại. Kết quả, tỷ lệ lợn nuôi sống đến khi xuất bán đạt 100%, đàn lợn có trọng lượng bình quân 86 kg/con, sản lượng 15.480 kg (vượt 23% so với kế hoạch); góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho các hộ nông dân tham gia mô hình 79% so với chăn nuôi đại trà; thay đổi nhận thức của người dân vùng cao về phương thức chăn nuôi truyền thống kém hiệu quả, sang hình thức chăn nuôi lợn an toàn sinh học, hạn chế rủi ro do dịch bệnh, nâng cao chất lượng thịt lợn, liên kết tiêu thụ sản phẩm… Kết quả đạt được đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân vùng cao về phương thức chăn nuôi truyền thống kém hiệu quả, sang hình thức chăn nuôi an toàn sinh học.
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh, mô hình chăn nuôi lợn thịt bản địa an toàn dịch bệnh, hiệu quả, bền vững dựa vào quản lý cộng đồng được thực hiện theo phương pháp mới là: Cải tiến tổ chức sản xuất, đổi mới cách tiếp cận đầu tư, hỗ trợ ở cấp cộng đồng, nông dân đảm nhận vai trò chủ đầu tư; nông dân tự tin, mạnh dạn, chủ động nguồn lực và góp vốn, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Trong thời gian triển khai mô hình, đàn lợn được chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng dịch đảm bảo quy trình kỹ thuật; chuồng trại luôn khô ráo, sạch sẽ, chất thải được thu gom xử lý theo đúng quy trình
Để phát triển và nhân rộng mô hình, thời gian tới, các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục có các chính sách hỗ trợ thành lập tổ hợp tác nông dân cùng liên kết chăn nuôi lợn an toàn sinh học dựa vào cộng đồng; hỗ trợ các tổ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa, gắn an toàn sinh học dựa vào cộng đồng; hỗ trợ nâng cấp sản phẩm, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.
Việc cải tiến tổ chức sản xuất, đổi mới cách tiếp cận đầu tư, hỗ trợ ở cấp cộng đồng cũng giúp người nông dân tự tin, mạnh dạn hơn, chủ động nguồn lực và góp vốn, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.