Lợn đen trong đời sống của đồng bào vùng cao Mường Khương
Lợn đen Mường Khương từ lâu đã được nhiều người gần, xa biết đến là một giống lợn quý, chất lượng thịt ngon và được người dân trong huyện Mường Khương nuôi phổ biến.


Lợn đen được nuôi nhiều trên địa bàn huyện Mường Khương

Lợn đen Mường Khương là một giống lợn được nuôi nhiều trên địa bàn huyện Mường Khương. Đặc điểm nổi bật của giống lợn này là tầm vóc lớn, khả năng thích nghi tốt với điều kiện chăn thả và nuôi nhốt ở các vùng núi cao. Lợn có màu sắc lông da đen tuyền hoặc đen có đốm trắng ở đầu đuôi và ở chân, lông thưa và mềm. Đa số lợn có mõm dài thẳng hoặc hơi cong, trán nhăn, bốn chân to cao vững chắc. Lợn có tỷ lệ mỡ nhiều, khả năng sinh sản và cho thịt, mỡ cao. Giống lợn đen Mường Khương là giống lợn quý hiếm với ưu điểm thích ứng tốt trong điều kiện tự nhiên, đồng thời tăng đàn mạnh, rất phù hợp với điều kiện chăn nuôi ở vùng cao, lợn có sức đề kháng tốt, dễ thích nghi với điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt của vùng cao.

Lợn đen được người dân nuôi chủ yếu tại gia đình, do đặc điểm dễ nuôi, thích nghi tốt với điều kiện nuôi nhốt, lợn đen lại phàm ăn, do đó rất phù hợp với điều kiện chăn nuôi của người dân vùng cao. Nguồn thức ăn cho lợn dễ kiếm, có thể tận dụng củ sắn, rau lang, ngô, bã rượu…để làm thức cho lợn ăn. Đây cũng là các sản phẩm do người dân tự sản xuất, canh tác được. Điều đặc biệt khiến lợn đen bản địa Mường Khương được nhiều người biết đến và ưu chuộng là chất lượng thịt ngon và sạch. Cũng vì thế mà thịt lợn đen dễ bán, có giá cao hơn.

Hiện nay giống lợn đen được người dân nuôi để phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập. Sản phẩm thịt lợn đen Mường Khương đã có mặt ở nhiều thị trường trong và ngoài huyện Mường Khương. Trong các dịp lễ, tết cổ truyền, đồng bào vùng cao ở Mường Khương thường mổ lợn đen để ăn tết. Tùy vào điều kiện của từng gia đình mà mổ lợn to hay nhỏ, từ vài chục kg tới hơn 100 kg. Còn những con lợn đen được nuôi 2 đến 3 tháng, trọng lượng từ 12 đến 15 kg lại trở thành một đặc sản được nhiều thực khách ưa chuộng là lợn cắp nách. Từ lợn cắp nách có thể chế biến nhiều món, nhưng chủ yếu chế biến thành lợn quay nguyên con, phục vụ các bữa tiệc trong nhà hàng hoặc gia đình.


Lợn đen Mường Khương đã được công nhận nhãn hiệu tập thể

Để phát triển đàn lợn đen bản địa, khuyến khích phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần vào công cuộc giảm nghèo bền vững, các địa phương trong huyện Mường Khương đã phát huy hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ đầu tư như nghị quyết 30a, chương trình giảm nghèo giai đoạn 2 đầu tư cho chăn nuôi. Bên cạnh đó tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, liên kết thị trường, đầu ra cho sản phẩm. “Lợn đen Mường Khương” đã được Cục sở hữu trí tuệ nhãn hiệu tập thể là điều kiện quan trong, thuận lợi khẳng định giá trị thương phẩm và giúp sản phẩm lợn đen bản địa Mường Khương vươn xa hơn trên thị trường. Để khuyến khích người dân đẩy mạnh chăn nuôi lợn đen bản địa, nâng cao đời sống, thu nhập, năm 2017 huyện Mường Khương đã hỗ trợ 110 con lợn nái giống hậu bị cho người dân thị trấn Mường Khương, xã Nậm chảy, Thanh Bình, Cao Sơn nuôi. Năm 2018, hỗ trợ 400 con cho người dân các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố, Tả Ngài Chồ, Cao Sơn, La Pan Tẩn. Từ sự hỗ trợ ban đầu, giúp các gia đình phát triển tăng đàn và mở rộng quy mô chăn nuôi, nâng cao đời sống, thu nhập.

Với những đặc điểm vượt trội về chất lượng, không biết từ bao giờ lợn đen Mường Khương đã trở thành một đặc sản được nhiều người biết đến và tìm mua. Do đó bảo tồn được giống lợn quý này và mở rộng quy mô chăn nuôi sẽ giúp tạo ra sản phẩm hàng hóa, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập và làm giàu cho người dân vùng cao Mường Khương.

                                                                       

Mạnh Cường - Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Truyền thông huyện

 

Văn bản mới
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập