Bầu cử Mỹ: Hối hả trước giờ G
(Chinhphu.vn) - Khi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng chỉ còn một ngày cuối cùng, 2 đối thủ Donald Trump và Hillary Clinton đã tranh thủ những giờ phút còn lại.
Kết quả thăm dò dư luận cho thấy sự bám đuổi sít sao giữa 2 ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ 
Hillary Clinton và đảng Cộng hòa Donald Trump - Ảnh: Getty
Cuộc đua song mã giữa 2 ứng viên Donald Trump và Hillary Clinton trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng sẽ đến hồi kết vào ngày 8/11 tới đây. Theo khảo sát của Tổ chức Statistic Brain thực hiện hồi cuối tháng 10, hơn 146 triệu công dân Mỹ chắc chắn sẽ tham gia bầu cử tổng thống Mỹ, chiếm 69% tổng số người đủ điều kiện cử tri trong năm nay.

Trong ngày hôm qua (6/11), cử tri tại bang Florida và Bắc Carolina tiếp tục đi bầu trong cuộc bỏ phiếu sớm. Đây là 2 trong số các bang “trung dung” được coi là mang tính quyết định đối với kết quả cuộc bầu cử. 

Kết quả thăm dò dư luận đang cho thấy sự bám đuổi sít sao giữa 2 ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ và Cộng hòa. Bà Clinton dành những ngày cuối cùng của mùa tranh cử để tập trung vào nhóm cử tri thiểu số, còn ông Trump củng cố sức hút của mình với cử tri da trắng tầng lớp lao động.

Kết quả cuộc thăm dò mới nhất của báo The Washington Post - đài ABC, được công bố ngày 6/11, cho thấy bà Clinton dẫn trước đối thủ 5 điểm, tăng 2 điểm so với cuộc thăm dò trước đó 2 ngày. Trái lại, kết quả cuộc thăm dò mới nhất của báo Los Angeles Times cho thấy 48% cử tri sẵn sàng bỏ phiếu cho ông Trump, trong khi tỉ lệ này dành cho bà Clinton là 42,6%. Cuộc thăm dò của website Rusmussen Report lại cho thấy sự ngang bằng nhau - tỉ lệ ủng hộ 44% cho cả 2 ứng cử viên.

Các cuộc thăm dò nêu trên báo hiệu giai đoạn cuối của cuộc đua đến Nhà Trắng vẫn còn đầy kịch tính. Trong bối cảnh cuộc bầu cử đang đến gần, 2 ứng viên đang dồn sức lôi kéo cử tri tại các bang chiến địa.

Bà Clinton đã vận động tranh cử tại Philadelphia đêm 5/11 và đến 2 bang Michigan, Bắc Carolina vào hôm sau. Trong khi đó, tỉ phú Trump tự tin tuyên bố “tấn công” các bang được xem là thành trì của đảng Dân chủ, như Pennsylvania, Michigan và Minnesota.

Bất thường và khó lường

Những ngày cuối cùng trước giờ G cũng đang xuất hiện các diễn biến bất thường và khó lường. Đơn cử như việc Donald Trump được các mật vụ hộ tống ra khỏi sân khấu khi đang có bài phát biểu vận động tranh cử ở Reno, Nevada vào tối ngày 6/11 sau khi một người nào đó trong đám đông hét lên “có súng”. 

Mới đây nhất, FBI cũng ra "giải oan" cho bà Clinton, đồng thời kết thúc việc xem xét các email mới và tuyên bố giữ nguyên kết luận họ từng ra hồi tháng 7 là không có dấu hiệu sai phạm hình sự nào.

Như vậy, bà Clinton sẽ không phải chịu cáo buộc phạm pháp nào trong việc sử dụng email cá nhân trong thời gian bà nắm giữ vị trí Ngoại trưởng Mỹ. Đây được coi là một tin "quý hơn vàng" đối với chiến dịch tranh cử của ứng viên đảng Dân chủ khi mà cuộc bầu cử đang ngày một cận kề.

Mạng xã hội chi phối mạnh

Sự tham gia tích cực này của các “bot” (robot phần mềm) khiến một số nhà bình luận không ngại gọi cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ 2016 là “cuộc chiến của các bot”.  

Một phân tích của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Oxford đăng trên tờ The Atlantic ngày 1/11 cho thấy trong 2 cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên, 1/3 các dòng tweet ủng hộ ứng viên Donald Trump xuất phát từ các tài khoản tự động này, trong khi ở phía bà Hillary Clinton là 1/5. Tổng cộng chúng đã sản xuất ra hơn 1 triệu thông điệp trên Twitter.

Một nhóm các chuyên gia Mỹ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chính trị học và xã hội học đã tạo ra một dự án đặc biệt mang tên Political Bots nhằm phân tích tác động của các chương trình bot lên dư luận xã hội.

Dự án đã ghi nhận được việc tự động đưa lại ồ ạt các thông tin trên Twitter theo các hashtag gắn với các ứng viên. Chẳng hạn như hashtag #makeamericagreatagain (Làm nước Mỹ trở nên vĩ đại lần nữa) - khẩu hiệu tranh cử "đinh" của tỉ phú Donald Trump, hay hashtag #imwithher ("Tôi cùng bà ấy", tức Hillary Clinton).

Giám đốc nghiên cứu dự án Political Bots, ông Sam Woolley nhận xét luồng các thông điệp này sẽ tạo ra một "phông nền thông tin giả", có thể tác động lên tâm trạng của cư dân mạng và được tiếp nhận như “truyền thông thực”.

Theo dõi hoạt động của các bot trong mùa bầu cử này, các chuyên gia nhận định việc sử dụng rộng rãi các bot chương trình càng làm tăng sự phân cực trong các công dân. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người dùng mạng xã hội có khuynh hướng chỉ liên hệ, tương tác với những người giống mình, một hiện tượng được các nhà khoa học xã hội gọi là homophily.

Lam An
Nguồn tin: http://baochinhphu.vn/
1 2 3 
Văn bản mới
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập