Bảo tồn, tái hiện Lễ hội “Nhé khố sinh” dân tộc Bố Y Mường Khương
Nhằm phục dựng, bảo tồn Lễ hội truyền thống của dân tộc khó khăn đặc thù. Ngày 30/8/2024. Tại trường Tiểu học số 2 Thị trấn, Phòng văn hóa thông tin huyện Mường Khương tổ chức bảo tồn, tái hiện lễ hội truyền thống ‘‘Nhé khố sinh’’ của dân tộc Bố Y. Tới dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo Phòng văn hóa thông tin huyện, Phòng Dân tộc, Trung tâm văn hóa thể thao, truyền thông huyện cùng cấp ủy chính quyền các xã, Nghệ nhân. 
anh tin bai

Đồng chí Phạm Xuân Thái - Trưởng phòng văn hóa thông tin huyện Mường Khương phát biểu khai mạc

     Người Bố Y ở huyện Mường Khương sinh sống chủ yếu ở các xã, thị trấn: Thanh Bình, Thị trấn Mường Khương, Tung Chung Phố, Nậm Chảy và Lùng Khấu Nhin. Tuy dân số không đông và sống đan xen với các dân tộc khác nhưng người Bố Y vẫn giữ được những giá trị văn hoá truyền thống độc đáo. 

     Qua khảo sát tại các xã phải đến hơn 20 năm không còn xã nào tổ chức. Do vậy việc phục dựng, tái hiện Lễ hội có ý nghĩa nhân văn sâu sắc lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp cho thế hệ trẻ ngày nay. Đồng thời, việc bảo tồn lễ hội thuộc Tiểu dự án 1, Dự án 9 Chương trình Mục tiêu Quốc gia 1719 năm 2024 của huyện Mường Khương. 

anh tin bai

40 học viên người dân tộc Bố Y huyện Mường Khương tích cực tham gia tái hiện Lễ hội

     Sau 2 ngày tập luyện với sự hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, 40 học viên là người dân tộc Bố Y của 4 xã (Nậm Chảy, Lùng Khấu Nhin, Tung Chung Phố, Thị trấn Mường Khương ) đã được truyền dạy các nội dung của Lễ hội. 

       Là nghi thức sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng lâu đời của người Bố Y gắn liền với tập quán tín ngưỡng, lễ tết và canh tác nông nghiệp tại các bản làng người Bố Y sinh sống. Lễ mang sắc màu của tín ngưỡng dân gian cổ xưa diễn ra ở hầu hết các bản làng nơi người Bố Y sinh sống, được chuyển tải thông qua hoạt động trình diễn hàng loạt các mảng trò hấp dẫn, hàm chứa những yếu tố nghệ thuật dân gian tổng hợp. 

anh tin bai

Thầy cúng có vai trò quan trọng trong Lễ hội 

     Ngay từ sáng sớm, già làng, trưởng bản cùng đại diện mỗi hộ gia đình 1 người tham gia dọn dẹp vệ sinh làng bản, khơi trong nguồn nước, chuẩn bị lễ vật để tiến hành các nghi thức  “nhé khố sinh”. Người Bố Y quan niệm mỗi năm vào ngày 2-2 và ngày 1-8 các vị thần tốt như thần rừng, thần suối, thành hoàng, thổ công sẽ về trợ giúp cho dân bản trước sự chứng kiến và công nhận của Ngọc Hoàng. Đại diện cho dân làng chuyển tải thông điệp đến Ngọc Hoàng và các vị thần là thầy cúng. Những lễ vật dân bản chuẩn bị để thầy cúng hành lễ, dâng lên thánh thần đều hàm chứa ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đạo lý uống nước nhớ nguồn, cầu an cho người sống, cầu siêu cho những người đã khuất và cầu được sự che chở, ban phát bình yên từ các vị thần. 

anh tin bai

Thầy cúng cúng tại Miếu thờ thần

     Nơi đầu bản, đầu nguồn nước được coi là vị trí cao nhất, sạch nhất và linh thiêng nhất, người Bố Y chọn để đặt miếu thờ thần từ khi lập bản. Dọn dẹp làng bản, khơi trong mạch nước đầu nguồn xong, thầy cúng, phụ cúng, dân bản chuẩn bị đem lễ vật đến miếu và hành lễ vào đầu giờ thìn. Với người Bố Y giờ thìn được coi là giờ thiêng, giờ mà thầy cúng có thể thông ngôn được với các vị thần tốt, chuyển tải mong muốn của dân bản và dễ được các thần tiếp nhận, hỗ trợ. 

     Lễ vật chính là đôi gà trống màu đỏ, trắng và con chó lông vàng cùng với tiền vàng, hương, rượu, thuyền rồng và hình nhân nộm bằng rơm. Tuy nhiên có nơi dùng chó vàng làm vật tế, nơi thì không. Điều này được lý giải bởi ý nghĩa của từng con vật: Gà mầu đỏ là sự mong cầu bình yên cho người sống; gà trắng là cầu bình an cho các linh hồn đã khuất và chó vàng là vật để trừ tà ma xấu, dịch bệnh.

     Thầy cúng dùng cành lá xanh vẩy nước bốn xung quanh tẩy uế quanh miếu, tẩy uế cho mọi thành viên trong đoàn, tẩy sạch cho các lễ vật, đạo cụ... không cho những điều xấu xâm nhập đến khu vực thầy hành lễ. 

anh tin bai

Khu vực làm lễ của thầy cúng

     Sau phần khai quang mũ áo, tiếng tù và nổi lên như một biểu tượng thông ngôn đầu tiên với các vị thần, thầy cúng hành lễ mời Ngọc Hoàng trên trời cao về ban cho sức mạnh để hành sự. Từng động tác của thầy cúng như là sự mô tả chặng đường thầy cúng đi qua để nghênh đón các vị thần tốt về ngôi miếu tận hưởng lễ vật, tiền vàng dân làng dâng lên, đồng thời cầu các thần ban phép quyền để phù trợ cho thầy làm việc. Mỗi lời trong bài cúng là sự thỉnh cầu, trình bày, diễn giải với thần thánh lý do dân làng thực hành nghi lễ. 

     Sau phần cúng tại miếu báo với Thổ công bản, Thành Hoàng làng, thầy cúng cầm kiếm pháp dẫn đoàn tùy tùng đi đến tất cả các đường làng, ngõ xóm, từng gia đình để bắt ma, quét ma thu lượm vào chiếc thuyền do hai hình nhân trấn giữ. Người Bố Y quan niệm những thứ không tốt đều được coi là ma xấu cần phải thu hồi, bắt giữ, đưa ra khỏi bản hay nhốt vào địa ngục. 

anh tin bai

Công việc bắt 'ma'' xấu tại các hộ gia đình

     Khi trống chiêng nổi lên, đôi gà được vung tròn như quét ma xấu, thầy cúng chỉ kiếm hướng về phía trước như mệnh lệnh ra quân quét kẻ thù, tiếng hô hào như đoàn quân rượt đuổi cái xấu. Đến mỗi ngã ba thầy cúng lại làm động tác múa kiếm chém ma thu hồi nhốt vào thuyền giấy, rồi tiếp tục đi đến mỗi gia đình trong làng. Tại mỗi ngôi nhà được đóng kín như là sự chạy trốn của những thứ ma xấu, ẩn náu, thầy cúng chỉ kiếm phá cửa xông vào. 

     Tại bàn thờ tổ tiên, thầy cúng thắp hương để báo với ông bà, tổ tiên của mỗi gia đình, nay là ngày thầy cúng và cả dân bản làm lễ đuổi cái xấu nên các cụ đừng có giật mình mà bỏ đi. Sau lời thầy cúng là đoàn quân cầm đôi gà quét ma, trống chiêng khua ầm ĩ, thầy cúng chỉ từng góc trong nhà quát ma để thu phục... 

     Sau khi tìm hết các ngõ ngách để bắt ma thu vào thuyền, đoàn tùy tùng đi ra, thầy cùng đổ bát nước phép và úp chiếc bát để ngăn cửa không cho ma xấu quay lại. Sau khi đi quét tất cả các nhà trong bản đoàn quân sẽ tiến thẳng ra phía hạ nguồn con suối cuối bản, thầy cúng sẽ đốt thuyền bắt ma để đưa ma xấu nhốt vào 18 tầng địa ngục nhằm bảo vệ sự bình yên cho dân làng. 

anh tin bai

Thầy cúng sẽ đốt thuyền bắt ma để đưa ma xấu nhốt vào 18 tầng địa ngục nhằm bảo vệ sự bình yên cho dân làng

     Những lời ca, điệu múa, tiếng nhạc tạo nên sắc màu văn hóa đa dạng, góp phần bảo tồn, giữ gìn bản sắc dân tộc, là động lực để toàn thể bà con nhân dân có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn môi trường sinh thái, môi trường sống trong lành. 

    Đặc biệt, môi trường văn hóa tâm linh, sợi dây vô hình đầy sức mạnh niềm tin, giúp cho mỗi người dân Bố Y tự tin hơn trong công cuộc giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo tại địa phương. 

anh tin bai

Người dân hưởng lễ vật

anh tin bai

     Lễ đuổi ma hoả “Nhé khố sinh” dân tộc Bố Y ở Mường Khương mang ý nghĩa phòng chống cháy, chống khô hạn, quy ước bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sự sống của con người.

                                                      

 

Mỹ Anh – Tùng Lâm
1 2 3 4 5  ... 
Văn bản mới
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập