Chị Lù Thị Lan, thôn Sấn Pản, xã Nậm Chảy tận dụng nguồn lá sắn để nuôi tằm lúc nông nhàn
Tận dụng diện tích trồng sắn của gia đình, chị Lù Thị Lan, thôn Sấn Pản, xã Nậm Chảy đã đầu tư vào nuôi 1 lạng trứng tằm. Đây là năm đầu tiên chị nuôi thử nghiệm, thấy tằm dễ chăm sóc, thời gian sinh trưởng ngắn, nhanh được thu hoạch, giá cả lại ổn định giao động từ 50 – 60 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí giúp gia đình chị Lan thu lãi 5 triệu đồng. Bởi vậy nên sau lứa tằm đầu tiên, chị đã quyết định mua giống để nuôi lứa tằm tiếp theo.
Mỗi lứa tằm thường kéo dài từ 18 - 20 ngày
Cũng giống như gia đình chị Lan, năm nay gia đình chị Ma Thị Kim cũng mạnh dạn nuôi thử tằm ăn lá sắn. Tận dụng cả sàn nhà đã lát gạch sạch sẽ, khang trang để nuôi tằm. Chị Kim đã trải những tấm bạt xuống nền để phân tằm không bám, gây mất vệ sinh. Chu kỳ một lứa tằm thương phẩm thường kéo dài 18 - 20 ngày, nên cứ hết một lứa, chị Kim mới phải dọn vệ sinh, khử khuẩn một lần. Chị Ma Thị Kim, thôn Sấn Pản, xã Nậm Chảy cho biết: "Nhà mình trồng sắn chủ yếu lấy củ bán cho thương lái. Khi cây sắn ở giai đoạn phát triển lá, gia đình đã tận dụng nguồn lá sắn này để nuôi tằm, kiếm thêm thu nhập. Nuôi loài tằm này không mất tiền mua thức ăn, đầu tư cũng không đáng kể, chỉ tốn công đi cắt lá sắn hàng ngày”.
Chị Ma Thị Kim đi cắt lá sắn cho tằm
Hiện nay trên địa bàn thôn Sấn Pản có 10 hộ dân tham gia nuôi tằm ăn lá sắn. Đa số ban đầu các hộ chủ yếu nuôi để lấy thực phẩm sinh hoạt trong gia đình. Tuy nhiên sau lứa đầu tiên, nhận thấy nhu cầu thị trường là khá lớn nên người dân mở rộng hơn, nuôi đại trà, bán thương phẩm. Trung bình mỗi lạng trứng tằm có thể cho ra từ 1 tạ đến 1 tạ 2 tằm thương phẩm. Thuận lợi hơn, sau khi tằm chín, tư thương thu mua, hoặc các hộ gia đình có thể đem ra chợ bán. Việc tiêu thụ dễ dàng đã tạo động lực để chị em phụ nữ trong thôn mở rộng quy mô, góp phần tăng thêm thêm thu nhập cho gia đình.
Lúc tằm ăn dỗi là khoảng thời gian bận rộn nhất
Mặc dù chỉ được coi là “nghề phụ” nhưng cũng đã trở thành nguồn thu nhập chính của các gia đình nơi đây lúc nông nhàn. Tuy nhiên, việc nuôi tằm ở Sấn Pản, Nậm Chảy còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi chưa nhiều. Bởi vậy thời gian tới nếu muốn tiếp tục gắn bó với nghề nuôi tằm lâu dài, người dân cần học hỏi thêm các kỹ thuật nuôi tằm, cách phòng tránh dịch bệnh trên tằm để mang lại hiệu quả cao hơn.
Tằm là món ăn được nhiều khách hàng lựa chọn, là loại thực phẩm giàu đạm, chất béo và chứa nhiều vitamin, khoáng chất nên được nhiều người ưa chuộng. So với trồng lúa, ngô hay chăn nuôi gia súc, gia cầm thì nuôi tằm đã mang lại nguồn thu đáng kể cho người nông dân trong thời gian ngắn ngày.