Thời gian qua, nhiều nông dân trên địa bàn xã Mường Khương cùng với một số xã khác đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích trồng sắn, ngô và hoa màu khác sang trồng cây cà phê. Bước đầu cho thấy kết quả khả quan, góp phần tăng nguồn thu nhập ổn định của nhiều hộ dân trên địa bàn.
Từ những diện tích đất nông nghiệp trồng ngô, trồng lúa, kém hiệu quả…; hàng chục hộ dân thôn Pạc Ngam, xã Mường Khương đã mạnh dạn đầu tư nguồn kinh phí sang trồng cây cà phê, tích lũy kiến thức từ học tập kinh nghiệm trên mạng xã hội, các hộ trong thôn với nhau. Đồng thời, đúc rút kinh nghiệm từ bạn bè, người thân để chuyển đổi cây trồng với hy vọng có thêm nguồn thu nhập từ loại mô hình kinh tế mới này.
Diện tích cây cà phê trên địa bàn xã đang sinh trưởng, phát triển tốt
Gia đình Chị Hà Thị Linh được người dân địa phương biết đến với việc mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế. Chị Linh chia sẻ sau nhiều năm trồng ngô, trồng lúa trên diện tích đất đồi của gia đình cho hiệu quả kinh tế không cao. Sau nhiều lần về thăm quê ngoại tại tỉnh Sơn La, thấy bà con trồng cây cà phê sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao. Thấy điều kiện, khí hậu tại thôn Pạc Ngam gần giống quê ngoại mình nên chị đã mạnh dạn đưa cây cà phê vào trồng thử nghiệm trên diện tích đất đồi của gia đình. Năm 2024 với trên 1 ha diện tích cây cà phê đã cho gia đình chị thu nhập trên 100 triệu đồng.
Bên cạnh đó để thu hút và động viên các hộ gia đình tham gia trồng cây cà phê thuận tiện cho việc tiêu thụ. Gia đình chị Hà Thị Linh cũng đã tự nhân giống để cung cấp cho bà con từ 2-3 nghìn đồng/cây. Chị Linh cũng cho biết thêm. Trồng cây cà phê gia đình chị cũng đã có đầu ra cho sản phẩm nên khi trồng bản thân chị cũng yên tâm không lo khâu tiêu thụ sản phẩm này. (Ảnh dưới)
Nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây phù hợp với cây cà phê, cộng với hiệu quả kinh tế bước đầu từ gia đình nhà chị linh trồng cây cà phê đem lại thu nhập đáng kể, nhiều hộ dân trong thôn Pạc Ngam cũng đã mạnh chuyển đổi một số diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây cà phê. Điển hình như gia đình chị Ly Thị Phương, năm 2024 đã mạnh dạn trồng thử nghiệm 3.000 gốc cây cà phê, đầu năm 2025 trồng thêm 2.000 cây giống. Hiện diện tích cây cà phê của gia đình chị sinh trưởng, phát triển tốt, cây đẻ nhánh khoẻ.
Đây là loại cây trồng mới, bà con trong xã đã mạnh dạn đầu tư cây giống, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa những cây có năng suất, chất lượng cao vào trồng thay thế những diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả. Đặc biệt khi cây cà phê cho thu hoạch đã có Doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho bà con. Hiện số diện tích cây cà phê của bà con đươc trồng trong những năm qua đang sinh trưởng, phát triển tốt, cây đẻ nhánh khoẻ, đã cho ra quả chuẩn bị cho thu hoạch.
Như vậy có thể thấy rằng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mường Khương đang báo hiệu những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, địa phương không khuyến khích người dân chuyển đổi ồ ạt, theo phong trào…Trong thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đề án, kế hoạch tái cơ cấu và phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, khuyến khích đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích... để người dân có sự cân nhắc phù hợp với điều kiện thực tế nhằm chuyển đổi thuận lợi, đạt chất lượng tốt.