Giá trị tác phẩm Tự phê bình và phê bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn coi trọng việc thực hiện tự phê bình và phê bình, Người khẳng định: “Một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng.

      Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”[1]. Người đã đánh giá tầm quan trọng của tự phê bình và phê bình trong xây dựng đảng như là “vũ khí sắc bén”, là “quy luật phát triển” và là “thang thuốc hay” trong xây dựng và chỉnh đốn đảng. Vấn đề này luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập trong các bài nói, bài viết của Người về xây dựng Đảng cho đến tác phẩm “Tự phê bình và phê bình” đăng trên Báo Nhân dân, số 45, ngày 14/2/1952.

    Nội dung tác phẩm “Tự phê bình và phê bình” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

    Người chỉ rõ về mục đích của tự phê bình và phê bình là để đoàn kết nội bộ trong Đảng, gắn bó giữa Đảng với dân và Chính phủ “đoàn kết nội bộ từ trên đến dưới, làm cho công việc tiến hơn; thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng, Chính phủ và nhân dân; sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm (thí dụ: bệnh quan liêu, mệnh lệnh, xa quần chúng”[2]

    Người chỉ ra cách làm trong tự phê bình và phê bình được chia thành các bước: Trước tiên, phải đánh thông tư tưởng. Bước hai là, nghiên cứu các tài liệu. Bước ba là: kiểm thảo công việc. Bước bốn là, kiểm thảo phải khởi đầu từ cấp trên, dần dần đến cấp dưới. Sau đó là, cán bộ cấp trên phải trực tiếp lãnh đạo từ lúc chuẩn bị cho đến lúc kết thúc cuộc kiểm thảo. Người lưu ý, trong kiểm thảo, phải nêu rõ ưu điểm và khuyết điểm, làm cho việc phải việc trái rõ ràng, làm cho mọi người hiểu rõ và vui lòng thừa nhận. Khi kết thúc kiểm thảo, ra sức làm cho mọi người tăng thêm lòng tự tin, rồi phải đặt chương trình học tập và công tác sắp tới, để mọi người thi đua làm tròn nhiệm vụ.

    Hồ Chí Minh chỉ rõ trong thực tế thực hiện tự phê bình và phê bình vừa có ưu điểm và hạn chế: Ưu điểm là “phong trào kiểm thảo vừa qua cho ta thấy những điều sau đây: Số rất đông cán bộ khắc khổ, tận tụy. Đồng thời, Người cũng chỉ ra còn có hạn chế trong tự phê bình và phê bình là “vì trình độ lý luận và kinh nghiệm thực tế còn kém, nên gặp công việc mới thì lúng túng. Nhiều cuộc kiểm thảo chuẩn bị kém, lãnh đạo kém, chưa biết nắm công việc chính mà phê bình và tự phê bình. Vạch khuyết điểm nhiều, nêu ưu điểm ít, làm cho một số cán bộ nản chí, đâm ra tiêu cực”[3]. Đặc biệt đối với cán bộ, đảng viên, Người thẳng thắn chỉ rõ khuyết điểm của nhiều cán bộ trong quá trình tự phê bình và phê bình đó là: “hẹp hòi, địa vị, “công thần”, quan liêu, mệnh lệnh, kém đoàn kết, chưa biết quý trọng của công và sức dân, chưa biết quản lý của công một cách chặt chẽ. Cũng có một số cán bộ tham ô, hủ hóa”[4]. Đúng như Người đã yêu cầu cán bộ đảng viên phải thật thà phê bình, phải chỉ ra khuyết điểm và tìm ra cách sửa chữa khuyết điểm, đặc biệt là phải nêu gương “Muốn tự phê bình và phê bình có kết quả, cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cao cấp phải làm gương trước”[5].

    Hồ Chí Minh yêu cầu: Từ những cuộc tự phê bình và phê bình cần nhằm đúng mấy điểm là đoàn kết chặt chẽ cán bộ trong Đảng, ngoài Đảng và toàn dân. Nâng cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần thi hành nghiêm chỉnh và triệt để chính sách của Đảng và Chính phủ. Theo đường lối quần chúng, vượt mọi khó khăn, để đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

    Tác phẩm có giá trị to lớn đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng

    Hiện nay, trong xây dựng, chỉnh đốn đảng đã thực hiện kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết trung ương 4 (khoá XI, khoá XII) và Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn và đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Phát huy vai trò lãnh đạo sáng suốt của Đảng trong công cuộc xây dựng đất nước. Đẩy mạnh việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình được quy định chặt chẽ và cụ thể đã giúp cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên thấy rõ hơn những ưu điểm để phát huy; những hạn chế, khuyết điểm để kịp thời sửa chữa. Một trong những kết quả của việc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình là các cấp ủy đảng đã coi trọng, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát và đôn đốc, duy trì đều đặn việc thực hiện tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên; tập trung là rõ trách nhiệm cá nhân trong tự phê bình và phê bình, không phê bình chung chung, xuê xoa, chiếu lệ; nội dung phê bình có tính cụ thể, thiết thực chủ yếu hướng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chức trách, nhiệm vụ và việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất năng lực, phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên. Nhiều nơi cấp ủy đã nêu gương tự phê bình và phê bình và chỉ đạo thực hiện mang lại kết quả rất tích cực như đã phát huy dân chủ rộng rãi trong sinh hoạt, góp phần khích lệ đảng viên trong tổ chức đảng phát huy tính chủ động, mạnh dạng đóng góp ý kiến, phê bình sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, cũng như tự phê bình và phê bình lẫn nhau một cách rất thẳng thắn, mang tính xây dựng, giúp nhau cùng tiến bộ, hoàn thành nhiệm vụ. Thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình dùng lối tự phê bình và phê bình để giáo dục đảng viên, giáo dục quần chúng[6] giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên hiểu rõ hơn tư tưởng, đạo đức, tác phong của Hồ Chí Minh. Qua đó, góp phần tu dưỡng đạo đức người đảng viên, thực hiện tốt hơn xây dựng đoàn kết trong Đảng.

    Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, qua việc học tập tác phẩm và thực hiện theo những lời chỉ dạy của Người để giải quyết tốt các mối quan hệ với tự mình, với đồng chí, đồng nghiệp, anh em và với công việc. Thực hiện tự phê bình, nêu gương trước đồng nghiệp cả về đạo đức và chuyên môn; thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ được giao. Thực hiện phê bình nghiêm túc dựa trên mục đích giúp nhau cùng tiến bộ, chỉ ra hạn chế, khó khăn của đồng nghiệp, đồng chí. Từ đó, tìm ra nguyên nhân và cách thức sửa chữa cho đồng chí mình cùng tiên bộ. Từng cán bộ, đảng viên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của mình trong thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao, tích cực, tự giác tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, phương pháp, tác phong công tác, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Nhờ có thực hiện tốt tự phê bình và phê bình mà cán bộ đảng vên ý thức được trách nhiệm của mình, không ngừng tu dưỡng bản thân và góp phần xây dựng đoàn kết tại cơ quan, trong chi bộ, trong đảng.

anh tin bai

Chi bộ 1 và chi bộ (tạm thời) lớp trung cấp lý luận chinh trị A01-24 Trường Chính trị tỉnh Lào Cai thực hiện sinh hoạt chuyên đề

    Thực tế cho thấy, những căn bệnh Người chỉ ra trong tác phẩm tự phê bình và phê bình hiện nay vẫn còn và khó nhận diện hơn như: quan liêu, mệnh lệnh, kém đoàn kết, chưa biết quý trọng của công và sức dân, chưa biết quản lý của công một cách chặt chẽ; chưa bao giờ vấn đề đấu tranh chống tham nhũng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên lại nóng bỏng như hiện nay. Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa tiên phong, gương mẫu; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyến hóa” trong nội bộ vẫn còn diễn biến phức tạp; thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình mang tính hình thức, chiếu lệ.

    Trong 6 tháng đầu năm 2024 cấp ủy các cấp đã kiểm tra 18.476 tổ chức đảng và 107.165 đảng viên, có 23.807 cấp ủy viên. Qua kiểm tra, kết luận 631 tổ chức đảng và 1.767 đảng viên có vi phạm, khuyết điểm; trong đó xem xét thi hành kỷ luật 02 tổ chức đảng và 67 đảng viên”[7]. Ngoài ra, “UBKT các cấp kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đối với 13.257 tổ chức đảng, trong đó UBKT Trung ương đã kiểm tra 12 tổ chức đảng, UBKT các địa phương, đơn vị kiểm tra 13.245 tổ chức đảng; kết luận 10.198 tổ chức đảng thực hiện tốt nội dung được kiểm tra. Kiểm tra việc thi hành kỷ luật đảng 7.305 tổ chức đảng; kết luận có 7.098 tổ chức đảng thực hiện tốt nội dung được kiểm tra. Cấp ủy các cấp và chi bộ đã giám sát chuyên đề 11.771 tổ chức đảng và 42.905 đảng viên, có 13.221 cấp ủy viên; kết luận 353 tổ chức đảng, 778 đảng viên có vi phạm, khuyết điểm; chuyển kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 08 tổ chức đảng và 42 đảng viên. UBKT các cấp đã thi hành kỷ luật đã thi hành kỷ luật 143 tổ chức đảng và 3.147 đảng viên, có 1.078 cấp uỷ viên (chiếm 34,2%). Trong đó, UBKT Trung ương đã thi hành kỷ luật 81 tổ chức đảng (Cảnh cáo 59, Khiển trách 22) và 103 đảng viên (Khai trừ 08, Cách chức 01, Cảnh cáo 64, Khiển trách 30)”[8].

    Giải pháp cơ bản để tiếp tục học tập, vận dụng tác phẩm “tự phê bình và tự phê bình” góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời tới

    Một là, nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên về nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng. Tự phê bình và phê bình phải công khai, minh bạch, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm. Thực hiện nghiêm Chỉ thị 35-CT/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện nghiêm túc; Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/0/2021của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; Quy định 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới

    Hai là, tăng cường mở rộng dân chủ trong Đảng; thực hiện tự phê bình và phê bình trong Đảng phải gắn liền với tăng cường kỷ luật nghiêm minh trong Đảng. Trong sinh hoạt đảng cấp ủy, tổ chức đảng phải coi tự phê bình và phê bình là nguyên tắc cơ bản, thực hiện thường xuyên để khắc phục những biểu hiện độc đoán, chuyên quyền.

    Ba là, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và nâng cao trình độ lý luận chính trị, trình độ học vấn và chuyên môn, nghiệp vụ; nâng cao chất lượng việc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng.

    Bốn là, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của người đứng đầu, cấp ủy viên và các đảng viên trong thực hành tự phê bình và phê bình. Nâng cao tính tiền phong, gương mẫu của người đảng viên bằng cách: “xây dựng và thực hiện tốt các quy định để phát huy vai trò gương mẫu trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị”[9].

    Năm là, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng cấp trên, nhất là cấp trên trực tiếp đối với tổ chức đảng và đảng viên cấp dưới. Cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên cần xây dựng cho mình tinh thần “7 dám”. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn.

    Sáu là, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tự phê bình và phê bình. Phải bám sát định hướng của Đảng, những vấn đề nổi cộm, những hạn chế, yếu kém trong tổ chức, sinh hoạt và hoạt động của Đảng; trong tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

    Tóm lại, tác phẩm tự phê bình và phê bình “Tự phê bình và phê bình” có ý nghĩa quan trọng, trực tiếp góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiếu đấu của đảng; giữ gìn phẩm chất, tư cách đảng viên, nâng cao uy tín của Đảng và củng cố niềm tin của quần chúng đối với Đảng. Thực hiện học tập tác phẩm trong Đảng là cơ sở xây dựng khối đại đoàn kết trong Đảng, rèn luyện đảng viên. Góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp đề ra, là tiền đề để tiếp tục phát huy dân chủ, khơi dậy trí tuệ của từng cán bộ, đảng viên.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, tr.301.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, tr.317.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, tr.319.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, tr.319.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, tr.459.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, tr.41.

[7] Uỷ ban kiểm tra Trung ương: Hội nghị Sơ kết công tác kiểm tra, giám sát 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, ngày 10/07/2023.

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2016, tr.203

ThS.GVC Ngô Thị Hảo - ThS.GVC Bùi Thị Phương Mai
1 2 3 4 5  ... 
Văn bản mới
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập