Trong
suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử, Nhân dân các dân tộc Mường Khương luôn
phải đấu tranh với thiên nhiên, với kẻ thù. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, kế thừa truyền thống cha ông, Nhân
dân các dân tộc Mường Khương luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, cần cù, sáng tạo
trong lao động sản xuất, dũng cảm, kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại
xâm, cùng với Nhân dân cả nước đánh bại kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc vùng
biên cương của Tổ quốc.
Một góc Mường Khương xưa (ảnh sưu tầm – tư liệu)
Không
chỉ dũng cảm, kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, cần cù, sáng tạo
trong lao động sản xuất, đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc
Mường Khương hết sức phong phú, độc đáo và giàu bản sắc, điển hình như: Ruộng bậc
thang của người Mông, người Nùng, phong tục làm giấy của người Dao, nghề tranh
cắt giấy và múa ngựa của người Nùng Dín, Lễ hội “Gầu tào” của đồng bào Mông, Lễ
“Cúng rừng” của đồng bào Nùng, Lễ “Tạ ơn trâu” của đồng bào Tu Dí, Lễ “Cấp sắc”
của đồng bào Dao, múa sinh tiền của đồng bào Mông, hát dân ca của người Nùng
Dín,… Các hoạt động văn hóa giàu bản sắc đó luôn được đồng bào các dân tộc trên
địa bàn huyện trân trọng gìn giữ, bảo tồn và phát huy.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, để đáp ứng yêu cầu
nhiệm vụ cách mạng, năm 1946, chính quyền của ta đổi tên từ châu thành huyện.
Châu Mường Khương được đổi tên thành huyện Mường Khương, gồm 02 xã: Mường
Khương và Pha Long. Châu Bản Lầu được đổi tên thành huyện Bản Lầu, gồm 8 xã: Na
Mạ, Bản Lầu, Bản Phiệt, Bản Xen, Suối Thầu, Chợ Chậu, Nậm Chảy, Lùng Vai. Các
đơn vị hành chính trên được tồn tại trong một thời gian dài, sau đó huyện Mường
Khương và Bản Lầu sáp nhập gọi là huyện Bản Lầu. Năm 1950, huyện Bản Lầu đổi
tên là huyện Mường Khương, gồm 24 xã.
Tháng 4/1980, Hội đồng Bộ trưởng nay là Chính
Phủ quyết định chuyển hai xã: Bản Cầm, Bản Phiệt về huyện Bảo Thắng; đồng thời
sáp nhập các xã còn lại thành 16 xã với công thức một xã biên giới và một xã nội
địa thành một xã mới. Hiện nay, huyện Mường Khương có diện tích tự nhiên trên
55 nghìn ha, gồm 16 đơn vị hành chính (15 xã, 01 thị trấn) với 157 thôn, tổ dân
phố; dân số trên 65 nghìn người, gồm 23 dân tộc anh em cùng chung sống. Dân tộc
thiểu số chiếm 89%, trong đó, dân tộc Mông chiếm 45,62%; dân tộc Nùng chiếm
23,54%, còn lại là các dân tộc khác.
Dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, đời sống
Nhân dân Mường Khương rất cơ cực, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, thuốc phiện
trồng khắp nơi, giặc đói, giặc dốt, dịch bệnh tràn lan. Khát vọng được giải
phóng càng trở nên mãnh liệt, Nhân dân các dân tộc huyện Mường Khương cùng với
Nhân dân trong tỉnh đã nhiều lần đứng lên khởi nghĩa nhưng chưa có đường lối
cách mạng đúng đắn nên các cuộc khởi nghĩa đã không thành công.
Không cam chịu kiếp sống lầm than, không yếu
hèn trước kẻ thù tàn ác, dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự Đảng huyện, Nhân dân
các dân tộc Mường Khương đã nêu cao truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại
xâm, bảo vệ mảnh đất biên cương tổ quốc, đã đánh bại âm mưu “chia để trị”, “xứ
Nùng tự trị” và từng bước đập tan âm mưu “Phỉ hoá toàn dân” của thực dân Pháp.
Ngày 11/11/1950 huyện Mường Khương đã được hoàn toàn giải phóng, chấm dứt sự
cai trị, bóc lột của thực dân Pháp và bọn phản động tay sai.
Mường Khương có nhiều đổi
thay sau 73 năm giải phóng
Sau giải phóng, huyện Mường Khương nằm trong kế
hoạch gây phỉ với quy mô lớn của thực dân Pháp ở vùng Tây Bắc với mục đích kích
động, chia rẽ dân tộc và chống phá cách mạng. Từ năm 1951 - 1954, thực dân Pháp
đã thực hiện nhiều lần nổi phỉ trên địa bàn huyện. Nhân dân bị dụ dỗ, cưỡng bức
theo phỉ, cảnh khủng bố, sát hại dân lành có lúc diễn ra ngay trên phố huyện.
Phát huy tinh thần cách mạng, Nhân dân các dân tộc huyện Mường Khương đã tích cực
phối hợp cùng cán bộ và bộ đội chủ lực vừa truy quét, vừa kêu gọi phỉ ra hàng,
đập tan âm mưu “Phỉ hoá toàn dân” của thực dân Pháp; khôi phục kinh tế, hàn gắn
vết thương chiến tranh, ổn định đời sống Nhân dân sau giải phóng. Thực hiện tốt
nhiệm vụ
chi viện “sức người, sức của” cho
chiến dịch Điện Biên Phủ với trên 1.500 tấn thóc và là huyện dẫn đầu về sản lượng
và thời gian hoàn thành; hàng trăm
thanh niên các dân tộc trên địa bàn huyện tham gia các đơn vị bộ đội (cả bộ đội
chủ lực và bộ đội địa phương) góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang năm 1954.
Bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội và
chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở Miền Bắc, huyện Mường Khương vừa tập
trung truy quét bọn phỉ ở khu vực Pha Long, vừa củng cố, xây dựng tổ chức đảng,
chính quyền, đẩy mạnh sản xuất, xây dựng hợp tác xã nông nghiệp. Năm 1958, Bác
Hồ lên thăm Lào Cai, Người đã khen ngợi Mường Khương là huyện sớm tiến hành
công tác định canh, định cư, làm phân bón, làm ruộng bậc thang, xoá bỏ cây thuốc
phiện, bảo vệ rừng, giải quyết các tệ nạn xã hội. Trong cuộc kháng chiến chống
Mỹ, huyện Mường Khương đã chi viện sức người, sức của cho Miền Nam ruột thịt với
tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Tổng số thanh
niên lên đường nhập ngũ tham gia trên chiến trường miền Nam và chiến trường Lào
là 231 người, trong đó có 27 người con của quê hương đã hy sinh và 14 người đã
hiến một phần xương máu cho cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.
Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc,
huyện Mường Khương là một trong những địa phương diễn ra cuộc chiến tranh biên
giới phía Bắc hết sức khốc liệt. Ngày 17/2/1979, chiến sự nổ ra, với ý chí, quyết
tâm giữ vững từng tấc đất của cha ông để lại, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ,
quân và dân huyện Mường Khương đã chiến đấu dũng cảm, kiên cường, buộc địch phải
rút khỏi địa bàn huyện. Bước ra từ hoang tàn, đổ nát của chiến tranh với bao
khó khăn chồng chất, thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đảng ta
khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Mường
Khương đã vượt lên khó khăn, thử thách, khắc phục hậu quả nặng nề của cuộc chiến
tranh. Năm 1990, huyện chuyển từ địa điểm sơ tán từ xã Lùng Khấu Nhin về trung
tâm huyện lỵ cũ. Với ý chí quyết tâm cùng xây dựng lại Mường Khương bằng bàn
tay cần cù và trí óc sáng tạo, huyện Mường Khương hôm nay đã có một diện mạo
hoàn toàn đổi khác: Một huyện biên cương đang trên đà phát triển.
Mường Khương hiện
tại
Phát huy truyền thống quê
hương, trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và Nhân dân huyện Mường Khương đã và đang
nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh; huy động
các nguồn lực, đạt được những thành tựu quan trọng trên mọi lĩnh vực; đời sống
vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện, minh chứng là: Cơ
cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tích cực; sản xuất công nghiệp - tiểu
thủ công nghiệp vượt so với kế hoạch trong đó nông, lâm nghiệp đạt 41,11%; thương mại, du lịch, dịch vụ chiếm 35,95%;
công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng đạt 22,94%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế
GRDP năm 2022 đạt 6,8%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 26,51 triệu đồng/người/năm.
Các
vùng sản xuất hàng hóa trên địa bàn huyện tiếp tục được đầu tư, hiện nay tổng diện tích chè 4.915ha,
chuối 1.570ha, dứa 1.500ha, quýt 815ha.
Với quyết tâm cao của cả hệ
thống chính trị và sự vào cuộc của Nhân dân các dân tộc huyện nhà, chương trình
xây dựng nông thôn mới được triển khai thiết thực, hiệu quả, diện mạo nông thôn
mới được thay đổi rõ rệt; đến nay huyện có 05/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới là
các xã: Bản Lầu, Bản Xen, Lùng Vai, Thanh Bình và Pha Long. Cơ sở vật chất trường
lớp học cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học, có 37/59 trường học được công nhận
trường đạt chuẩn quốc gia. Huy động tối đa mọi nguồn lực thực hiện
tốt công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân vì mục tiêu con
người; cơ sở hạ tầng và hệ thống, mạng lưới y tế cơ sở được củng cố.
Huyện tập trung các giải
pháp triển khai kế hoạch giảm nghèo, năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo giảm 7,70%. Công
tác phòng chống dịch bệnh Covid 19 được triển khai đồng bộ hiệu quả đem lại tác
động tích cực cho phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Các hoạt động văn
hóa, giáo dục, thể thao được chỉ đạo tổ chức phù hợp, thích ứng linh hoạt trong
công tác phòng dịch. Công tác an sinh xã hội, giải quyết chế độ chính sách kịp
thời, đảm bảo hiệu quả. Tình hình an ninh chính trị, an ninh nông thôn và trật tự
an toàn xã hội luôn được đảm bảo. Công tác đối ngoại tiếp tục được duy trì, thường
xuyên trao đổi với 2 huyện Hà Khẩu và Mã Quan tỉnh Vân Nam - Trung Quốc trong
các hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới. Đảng bộ huyện luôn xác định công tác
xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt; chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức
chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; Đẩy mạnh việc học tập và làm
theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Kết luận
số 01- KL/TW, ngày
18/5/2021 của
Bộ Chính trị gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, khóa XIII của Đảng. Với những cố gắng nỗ lực,
trong nhiều năm qua Đảng bộ huyện luôn được công nhận là Đảng bộ trong sạch vững
mạnh.
Trải
qua 114 năm hình thành và phát triển với những biến động lịch sử, Nhân dân các
dân tộc Mường Khương cùng đồng bào cả nước vừa phải kiên cường, anh dũng đấu
tranh chống giặc ngoại xâm, vừa phải đấu tranh với cái nghèo nàn, lạc hậu để
xây dựng quê hương ngày càng ấm no, hạnh phúc, 23 dân tộc anh em, 23 bông hoa rực
rỡ sắc màu đã vẽ nên bức tranh có sức sống mãnh liệt về đất và người Mường
Khương. Đặc biệt từ khi có Đảng lãnh đạo, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các
dân tộc huyện Mường Khương luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế -
xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong
sạch vững mạnh, thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với thành
tích và chiến công đã đạt được, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc
huyện Mường Khương được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng
cao quý: Năm 1979, quân và dân huyện Mường Khương được Quốc hội và Chính phủ tặng “Huân chương kháng chiến hạng Nhất”.
Năm 1998, Nhân dân và lực lượng vũ trang huyện được phong tặng danh hiệu cao
quý “Anh hùng lực lượng vũ trang” trong thời kỳ chống Pháp, tiễu phỉ. Năm 2004,
Nhân dân và cán bộ huyện được tặng thưởng “Huân chương lao động hạng Ba” vì có
thành tích xuất sắc trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Năm 2010, Nhân dân và cán bộ huyện được tặng thưởng “Huân chương lao động hạng
Hai” vì có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời
kỳ đổi mới. Đây là nguồn cổ vũ, động viên và là nguồn sức mạnh to lớn để Đảng bộ,
chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Mường Khương tiếp tục nỗ lực phấn đấu
vươn lên đạt được nhiều thành tích cao hơn nữa trong chặng đường tới.
Nhìn lại chặng đường 114 năm qua, Đảng bộ,
chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Mường Khương tự hào trước những thay
đổi vô cùng to lớn của quê hương. Chặng đường mới mở ra với nhiều thời cơ và
thuận lợi mới.
Tuy nhiên, chặng đường
phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và
Nhân dân các dân tộc trong huyện phải nỗ lực vượt qua đó là: Tăng trưởng kinh tế
đạt khá nhưng chưa xứng với tiềm năng. Do điểm xuất phát thấp cùng với những
khó khăn vốn có của một huyện vùng cao, biên giới, nhiều dân tộc, đến nay huyện
Mường Khương vẫn là một huyện nghèo của tỉnh và của cả nước; hạ tầng kinh tế - xã hội
chưa đồng bộ, chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của sự
phát triển, một số vấn đề xã hội, an ninh biên giới, an ninh nông thôn còn tiềm
ẩn những yếu tố phức tạp,…
Năm 2023, đối với huyện Mường Khương là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng tốc thực hiện và phấn đấu hoàn thành mục
tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXIV, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ
tỉnh Lào Cai khóa
XVI và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
5 năm giai đoạn 2021-2025, cũng là năm tiếp tục đẩy mạnh việc phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Với thuận lợi và thách thức đan xen, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các
dân tộc huyện Mường Khương quyết tâm thực hiện chủ đề hành động năm 2023 “Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo - Hành động - Phát triển” và những
mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản đã được xác định đó là: Nâng cao năng lực lãnh đạo của
Đảng bộ, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh là nhiệm vụ
then chốt. Phát triển nông, lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới là trọng tâm;
phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ là quan trọng.
Xây dựng văn hóa, con người Mường Khương là nền tảng, là mục tiêu, động lực để
phát triển. Đẩy mạnh phát triển mạnh sự nghiệp giáo dục - đào tạo, khoa học và
công nghệ, y tế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thực hiện giảm nghèo bền
vững, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội
và bảo vệ môi trường. Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững
chủ quyền biên giới quốc gia và mở rộng đối ngoại.
Với khí thế năm mới, quyết tâm mới, Đảng bộ,
chính quyền và Nhân dân huyện Mường Khương anh hùng nhất định sẽ lập được nhiều
thành tích mới, toàn diện hơn trong chặng đường tiếp theo.
Kỷ niệm 114 năm Ngày
thành lập huyện, là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi người dân của huyện.
Tự hào về truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha ông trong xây dựng và bảo vệ
quê hương, Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang và Nhân dân huyện Mường
Khương tiếp tục phát huy cao độ truyền thống cách mạng vẻ vang; nêu cao tinh thần
đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi
Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và mục tiêu Nghị quyết Đại
hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; viết tiếp những trang sử trong thời kỳ
đổi mới, làm rạng rỡ thêm truyền thống của một huyện anh hùng, xây dựng và bảo
vệ vùng đất biên cương của Tổ quốc ngày thêm giàu đẹp và văn minh./.