Ông Tẩn Khái Cường - Nghệ nhân ưu tú thôn Pờ Hồ xã Thanh Bình, huyện Mường Khương người bảo tồn, gìn giữ chữ nôm Dao cổ
Cuốn sách Dao cổ được lưu giữ
Với nguyện vọng bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa bản địa, ông Tẩn Khái Cường - Nghệ nhân ưu tú thôn Pờ Hồ xã Thanh Bình, huyện Mường Khương người am hiểu về ngôn ngữ, chữ viết của người Dao đã mở các lớp học miễn phí truyền dạy cho người dân bản địa và các xã lân cận biết đọc, viết chữ Nôm- Dao cổ, những phong tục tập quán… của dân tộc Dao.
Lớp dạy học viết và nói chữ Dao ở thôn Pờ Hồ xã Thanh Bình, huyện Mường Khương
Cái ‘‘duyên’’ làm thầy dạy chữ Nôm Dao khởi nguồn khi còn bé qua những lần tham gia Lễ cấp sắc của người Dao cậu bé Tẩn Khái Cường đã đam mê và yêu thích chữ dao; sinh ra trong gia đình có 5 anh chị em, là con thứ 4 trong gia đình, hoàn cảnh gia đình khó khăn không có điều kiện đi học chữ nhưng ông Cường vẫn nhất quyết xin bố mẹ cho theo thầy học chữ; học phí là những buổi phát nương, làm ruộng thuê tối đến cậu học trò lại chăm chú nghe thầy dạy chữ. Gần 10 năm theo thầy học ông Cường đã viết và đọc được cơ bản các chữ Nôm-dao. Ngoài ra, với vốn chữ Nôm - Dao thành thạo, ông còn sưu tầm, viết, biên soạn và phổ biến các cuốn sách dạy chữ viết Nôm – Dao cho cộng đồng người Dao ở các địa phương trong huyện.
Những học viên kiên trì học chữ Dao
Trước thực tế số đông người dân tộc Dao, không chỉ các em nhỏ mà ngay cả nhiều người trung niên, cao tuổi không am hiểu và biết viết, đọc chữ Nôm - Dao cổ của dân tộc mình. Năm 2017 nghệ nhân ưu tú Tẩn Khái Cường đã mở lớp truyền dạy tiếng nói và chữ viết dân tộc dao tại thôn. Đến nay đã duy trì được 7 lớp, mỗi lớp có từ 8 đến 10 học viên không chỉ người dân bản địa học mà thu hút học viên ở các xã lân cận cũng đến học như: Lùng Khấu Nhin, Nậm Chảy, Tung Chung Phố.
Năm 2024 lớp học viết và nói chữ dao của ông đang duy trì 6 học viên, với nhiều độ tuổi khác nhau. Việc học chữ Dao không giống như các các ngôn ngữ khác, có độ khó đòi hỏi học viên trước hết phải thật yêu thích và kiên trì thì mới có thể học được; bởi chữ Nôm - Dao khác tiếng việt là không có dấu, chữ theo nét nên có độ khó với người học.
Thầy dạy viết tỉ mỉ chỉ bảo học viên
Là một học viên, kiên trì theo thầy Cường học từ những ngày thầy mới mở lớp đến nay được 7 năm, học viên Phàn Khái Mìn thôn Pờ Hồ xã Thanh Bình chia sẻ: ‘‘Đối với người dao chúng em thì phong tục, tập quán tín ngưỡng, đặc biệt là trong Lễ cấp sắc của người Dao rất quan trọng, không thể bỏ được. Do vậy em phải kiên trì theo học để giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình’’.
Những năm qua cấp ủy chính quyền và các nghệ nhân, người dân xã Thanh Bình làm tốt công tác bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa của các dân tộc
Những năm qua, xã Thanh Bình nói riêng, huyện Mường Khương nói chung đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với loại bỏ những phong tục tập quán lạc hậu, từng bước xây dựng sản phẩm du lịch, văn hóa hấp dẫn du khách.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” xã Thanh Bình đã tổ chức mở các lớp truyền dạy dân ca, dân vũ dân tộc Bố Y, truyền dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc Dao…Từ đó, nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc Dao trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần, bảo vệ di sản văn hóa của đồng bào dân tộc Dao tại địa phương.
Sự tâm huyết của các nghệ nhân, sự quan tâm của cấp ủy chính quyền địa phương trong việc bảo tồn, gìn giữ tiếng nói và chữ viết Nôm- Dao xã Thanh Bình trong những năm qua đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong việc phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc Dao, đó là điều đáng trân trọng và cần được phát huy trong cộng đồng.