Hoa văn trên mặt trống Pha Long gồm hình ngôi sao 16 cánh, 20 chim bay. (Bản vẽ của Nguyễn Sơn Ka)
Xã Pha Long (huyện Mường Khương) là một xã miền núi cực Bắc của tỉnh Lào Cai. Đây cũng là nơi từng diễn ra những trận đánh oanh liệt bảo vệ biên giới Tổ quốc. Bao nhiêu xương máu của quân và dân ta đã đổ xuống mảnh đất biên thùy để bảo vệ từng ngọn núi, con đèo mà cha ông để lại.
Vào thời văn hóa Đông Sơn, người Việt cổ đã từng lập làng tụ cư ở Lào Cai, nơi con sông Hồng chảy vào nước Việt. Họ đã chung sức dựng nên bộ Tân Hưng của Nhà nước Văn Lang. Đến năm Minh Mệnh thứ 12, khi chia tỉnh thì thuộc về tỉnh Hưng Hóa, rồi lại tách tỉnh này thành nhiều tỉnh khác, trong đó có tỉnh Lào Cai. Cả một rẻo đất Lào Cai đã mang trong mình trọng trách là địa đầu của Tổ quốc. Quân Nam Chiếu (Vân Nam), quân Nguyên Mông từng kéo sang xâm lược theo ngả này.
Lào Cai là địa bàn sớm được phân định ranh giới Việt - Trung nhờ vào địa thế. Sông Hồng chảy từ Vân Nam đến Hà Khẩu thì gặp sông Nậm Thi thành ngã ba sông. Theo sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn (năm 1777), thì bấy giờ, biên giới đã ổn định: Sông Hồng thành địa giới tự nhiên giữa huyện Mông Tự (Vân Nam) và nước ta. Một đoạn sông Nậm Thi cũng chia ranh giới: Bên tả thuộc huyện Văn Sơn (Vân Nam), bên hữu thuộc động Sơn Yêu nước ta.
Hoa văn hình ngôi sao trên mặt trống Pha Long. Ảnh: Trịnh Sinh
Cái ngã ba sông Lào Cai-Hà Khẩu đã được phân định cả về mặt văn hóa từ thời Hùng Vương. Lào Cai đã đào được hàng chục trống đồng Đông Sơn của người Việt cổ trong thập niên 90 của thế kỷ trước. Trong lúc bên kia sông là Hà Khẩu nơi chúng tôi sang công tác nhiều lần, hầu như chưa thấy vết tích nào của trống đồng Đông Sơn và văn hóa Đông Sơn cả. Rõ ràng, bản sắc văn hóa hai bên sông đã khác nhau từ vài ngàn năm. Chứng tỏ từ xa xưa, Lào Cai đã là vùng biên của Nhà nước Văn Lang rồi.
Không những chỉ tụ cư ở vùng đồng bằng hẹp ven sông là thành phố Lào Cai, mà người Việt cổ còn tỏa đi nhiều vùng núi xa xôi, hiểm trở của tỉnh này để khai hoang, lập ấp. Đó chính là trường hợp cư dân Việt cổ (khi đó cũng gồm nhiều cộng đồng các dân tộc) đã lập làng ở Pha Long, Mường Khương và để lại trong lòng đất một chiếc trống Đông Sơn... đó là trống đồng Pha Long, đã được Nhà nước xếp vào Bảo vật quốc gia (Quyết định số 1821 ngày 24-12-2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận Bảo vật quốc gia đợt 7).
Sự xuất hiện của trống Pha Long ở ngay vùng... trấn ải thật ý nghĩa, chứng tỏ mảnh đất núi non này đã là vùng địa đầu biên ải từ xa xưa đến tận ngày nay. Đó chính là một trong những “cột mốc chủ quyền” sớm nhất của nước ta. Người Việt cổ không chỉ làm chủ đồng bằng, mà còn khai phá những vùng núi cao (950m trên mặt nước biển). Điều đó cũng chứng tỏ, chủ nhân của những chiếc trống đồng gồm nhiều tộc người, trong đó có cả những cộng đồng ít người miền núi, góp phần dựng nước và giữ nước Văn Lang. Đúng là mỗi tấc đất chủ quyền đều quý giá, như mảnh đất Pha Long, từng có cư dân chủ sở hữu trống Pha Long sinh sống cho đến nay, cùng tham gia “trấn ải” vùng biên.
Hoa văn hình chim bay trên trống Pha Long. Ảnh: Trịnh Sinh
Trống Pha Long còn là tài liệu quý cho giới khoa học. Trống được ông Vàng Dìu Quáng ở xã Pha Long phát hiện trong lòng đất, khi làm nương năm 1958. Hiện nay, trống được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Lào Cai. Trống chỉ còn phần mặt và một phần tang. Đây có thể là phong tục của người Việt cổ: Người xưa chia của cho một thủ lĩnh quá cố thứ tài sản quý nhất là trống đồng. Nhiều trường hợp, họ đập vỡ mặt trống, đập vỡ cả thân trống để cho khác với của cải dương gian. Họ hình dung, thế giới âm phủ phải vừa giống, lại phải vừa khác thế giới đang sống. Trống có đường kính lớn: 74cm. Hoa văn trên mặt trống khá đẹp: Ngôi sao có 16 cánh, 20 hình chim bay, được xếp loại A cùng với trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ.