Xuất khẩu lao động – chìa khóa giúp đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi cuộc sống
Ước mơ xây được căn nhà 2 tầng khang trang với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt đã trở thành hiện thực với gia đình anh Hoàng Văn Lù, dân tộc Nùng, ở thôn Na Đẩy, thị trấn Mường Khương. Ở tuổi 34, anh Lù đã có một cuộc sống tương đối đầy đủ, trong khi nhiều người trong thôn ở độ tuổi của anh vẫn còn đang loay hoay chuyện “cơm áo, gạo tiền”.
Anh Lù không thể nghĩ rằng, thành công lại đến sớm như vậy, bởi anh vốn xuất thân từ gia đình thuần nông, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông vào năm 2008, anh đã làm đủ thứ nghề nhưng chỉ đủ ăn và lo được sinh hoạt tối thiểu cho gia đình. Bước ngoặt thay đổi khi anh quyết định đi lao động tại Hàn Quốc vào năm 2012. Làm việc tại đây, anh được trả 36 triệu đồng/tháng, nhờ sự cần cù, chịu khó, anh cố gắng tăng ca, làm thêm để nâng cao thu nhập.
Căn nhà 3 tầng khang trang của gia đình anh Hoàng Văn Lù.
Kết thúc hợp đồng lao động sau 3 năm, anh tích góp được số tiền lớn để về quê mua đất, làm nhà. Anh Lù hồ hởi chia sẻ: “Thật sự, tôi thấy rất vui và hài lòng với cuộc sống hiện tại”. Vừa qua, anh Lù tiếp tục làm hồ sơ đăng ký và sang Hàn Quốc để làm việc thêm 3 năm nữa.
Cũng như anh Lù, gia đình anh Long Đức Mạnh, 33 tuổi, ở tổ dân phố Phố Cũ thị trấn Mường Khương gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Năm 2022, anh Mạnh đi lao động tại Nhật Bản. Với công việc vận hành máy xây dựng và từ nguồn thu nhập tăng thêm, trừ các khoản chi phí, anh tiết kiệm từ 30 – 40 triệu đồng/tháng. Đây là khoản thu nhập đáng mơ ước mà anh chưa bao giờ nghĩ tới. Anh kỳ vọng sau khi kết thúc hợp đồng lao động, trở về quê hương sẽ có một khoản tiền để làm nhà, mua xe vận tải phục vụ kinh doanh, sản xuất.
Anh Long Đức Mạnh có cơ hội làm việc trong môi trường áp dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến tại Nhật Bản.
Làm việc Nhật Bản sau 14 tháng, anh Mạnh cảm nhận môi trường làm việc ở đây rất tốt, thu nhập ổn định, bản thân cũng trưởng thành hơn rất nhiều. Đặc biệt anh được nhiều điều từ người Nhật, họ có tính kỷ luật, trách nhiệm với công việc rất cao. Anh cũng khẳng định sẽ cố gắng tiếp thu, trau dồi những kinh nghiệm quý báu trong thời gian làm việc ở đây được để phục vụ cho bản thân sau này khi trở về quê hương.
Từ đầu năm 2023 đến nay, huyện Mường Khương đã có 41 người, đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc theo hợp đồng tại nhiều nước và vùng lãnh thổ ở khu vực Đông Á.
"Công tác đưa người dân đi làm việc tại nước ngoài ngày càng được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quan tâm, chỉ đạo sát sao, coi đây là giải pháp giúp người dân có thu nhập cao, thoát nghèo bền vững"
Ông Nông Văn Minh, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Mường Khương.
Để triển khai hiệu quả công tác đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Mường Khương đã triển khai hiệu quả chương trình đào tạo nghề cho người lao động. Thời gian qua, phòng đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) tổ chức nhiều hoạt động tư vấn hướng nghiệp tại những xã nghèo, xã khó khăn, khu vực biên giới; mời các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động trực tiếp tư vấn cho người dân để họ nắm rõ chính sách, quyền lợi khi đi lao động ở nước ngoài.