Anh Sền Pờ Diu làm giàu từ cây quýt
Thời điểm này đồng bào các dân tộc thiểu số ở thôn vùng cao giáp biên giới Chúng Chải B, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai đang bước vào vụ hoạch quýt sen hay còn gọi là quýt ngọt. Cây quýt đã trở thành cây giúp cho đồng bào nơi đây từng bước thoát nghèo, nhiều gia đình trồng quýt còn có thu nhập cao và trở thành điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Trong đó gia đình người dân tộc Pa Dí, Sền Pờ Diu, thôn Chúng Chải B, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai là một điển hình.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất biên cương, từ thời còn gian khó, anh nông dân Sền Pờ Diu năm nay 41 tuổi đã từng bươn trải để lo cho cuộc sống bằng việc trồng ngô, cấy lúa, nấu rượu, nuôi lợn, tuy nhiên thu nhập không được nhiều. Quyết tâm không để cái nghèo đeo bám, năm 2004, gia đình anh đã mạnh dạn đưa cây quýt về trồng. Sau 3 năm dày công chăm sóc, cây đã bắt đầu cho thu hoạch vụ đầu tiên. Từ đó, mỗi năm gia đình anh lại trồng thêm một chút. Qua vài mùa, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đến nay diện tích cây quýt của gia đình anh Diu lên tới 5ha, với 6.000 cây. Mỗi vụ, nương quýt cho thu hoạch trung bình 30 tấn quả, mỗi năm gia đình anh thu về từ 300 đến 400 triệu đồng. Ngoài ra gia đình còn trồng thêm cây ổi, cây sa nhân đem lại tổng thu nhập gần 500 triệu đồng/năm. Gia đình anh cũng tạo việc làm thời vụ cho 6 lao động mỗi năm. Anh Sền Pờ Diu cho biết, với số lượng cây quýt như hiện tại, gia đình sẽ không trồng thêm nữa mà chỉ chú tâm vào chăm sóc để quýt đạt năng suất và chất lượng quả cao hơn. Vì nếu có trồng thêm mà không chăm sóc được thì hiệu quả sẽ không được như mong muốn.

Anh Sền Pờ Diu (phía trái ảnh) giới thiệu vườn cây quýt của gia đình

Để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, được sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, gia đình anh và các hộ trồng quýt trong thôn Chúng Chải B đã tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất quýt theo tiêu chuẩn VietGap. Vì thế quả quýt của gia đình anh được khách hàng ở nhiều nơi ưa chuộng. Tiếng lành đồn xa, ngày càng nhiều người biết đến, có khách hàng còn lái cả xe ô tô đến tận vườn để thu mua quýt. Mỗi dịp quýt chín, chị Pờ Thị Sen (vợ anh Diu) lại chụp ảnh quýt rồi đăng trên mạng xã hội: Zalo, Facebook để khách gần, xa đều biết đến. Qua nhiều năm bán quýt, gia đình anh đã gây dựng được uy tín đối với khách hàng. Thời gian này, gia đình anh Diu chủ yếu cắt quýt gửi xe khách để chuyển cho khách quen lâu năm gắn bó. Có những ngày cao điểm, gia đình anh bán được 1 tấn quả.

Ông Pờ Vản Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai cho biết, mô hình trồng quýt hàng hóa của anh Sền Pờ Diu cũng là mô hình điểm của hội viên nông dân thị trấn; ngoài tạo thu nhập cho gia đình thì một năm anh cũng thuê thêm 6 - 7 nhân công để cùng gia đình anh làm, có người đến làm thuê giúp gia đình anh Diu cũng học tập được kinh nghiệm sản xuất đề về áp dụng.

Với sự cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, chuyện làm giàu từ cây quý thiết thực, hiệu quả của gia đình anh Sền Pờ Diu ở thôn Chúng Chải B, thị trấn Mường Khương là minh chứng rõ nét về quyết tâm thay đổi cách nghĩ, cách làm để vươn lên của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao. Anh Sền Pờ Diu đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” tỉnh Lào Cai giai đoạn 2015 - 2020.

Mạnh Cường, Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Truyền thông huyện Mường Khương(1)
1 2 3 4 
Văn bản mới
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập