03 chính sách mới với công chức, viên chức có hiệu lực từ tháng 6/2022
Từ đầu tháng 6/2022 sẽ chính thức có hiệu lực đối với 03 chính sách mới với công chức, viên chức về quy định danh mục vị trí công tác định kỳ chuyển đổi lĩnh vực tổ chức cán bộ địa phương; Quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho viên chức Lãnh sự danh dự nước ngoài; Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học đối với viên chức ngành y tế.
Bổ nhiệm cán bộ xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng (Ảnh minh hoạ)
Danh mục vị trí công tác định kỳ chuyển đổi lĩnh vực tổ chức cán bộ địa phương
Từ ngày 01/6/2022, quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc thuộc lĩnh vực tổ chức cán bộ ở địa phương, được quy định tại Thông tư số 03/2022/TT-BNV ngày 12/3/2022 của Bộ Nội vụ chính thức có hiệu lực.
Theo đó, Thông tư này quy định chi tiết danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc thuộc lĩnh vực tổ chức cán bộ tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Danh mục vị trí công tác định kỳ chuyển đổi lĩnh vực tổ chức cán bộ bao gồm:
Thẩm định nhân sự để trình cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Tổ chức tuyển dụng công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, viên chức, thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
Thẩm định hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt về tổ chức bộ máy, biên chế.
Thẩm định các đề án thành lập mới, sắp xếp lại các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp nhà nước, tổ chức phi chính phủ, hội nghề nghiệp.
Thẩm định hồ sơ đề nghị thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính các cấp.
Thẩm định hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền quyết định các hình thức thi đua, khen thưởng, kỷ luật.
Phân bổ chỉ tiêu, ngân sách đào tạo.
Quản lý, thực hiện chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc quy định tại Thông tư này là từ đủ 03 năm đến 05 năm.
Quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho viên chức Lãnh sự danh dự nước ngoài
Từ ngày 01/6/2022, Nghị định 26/2022/NĐ-CP về viên chức Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Theo đó, quy định quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho Lãnh sự danh dự bao gồm:
Lãnh sự danh dự được hưởng các quyền ưu đãi, miễn trừ theo quy định tại Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam năm 1993 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam và Nước cử là thành viên.
Lãnh sự danh dự không được sử dụng giao thông viên ngoại giao, giao thông viên lãnh sự, túi ngoại giao, túi lãnh sự, điện mật mã để liên hệ với các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Nước cử hoặc với Chính phủ của Nước cử, trừ trường hợp đặc biệt sau khi được Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho phép.
Lãnh sự danh dự được hưởng quyền được thông báo cho Nước cử khi bị bắt, tạm giữ, tạm giam hoặc bị truy tố; quyền không phải cung cấp chứng cứ liên quan đến chức năng lãnh sự và quyền miễn trừ xét xử đối với những hành động chính thức khi thực hiện chức năng lãnh sự của mình.
Thành viên gia đình của Lãnh sự danh dự không được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ.
Không còn quy định yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với viên chức ngành y tế
Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học đối với viên chức ngành y tế
Từ ngày 10/6/2022, không còn quy định yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế.
Đây là điểm mới tại Thông tư 03/2022/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành ngày 26/4/2022.
Cụ thể, đối với bác sỹ cao cấp (hạng I) yêu cầu tốt nghiệp bác sỹ chuyên khoa cấp 2 hoặc tiến sỹ nhóm ngành y học (trừ ngành y học dự phòng).
Bác sỹ chuyên khoa cấp 2 hoặc tiến sỹ ngành Răng-Hàm-Mặt cần có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bác sỹ hoặc có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (dùng cho các hạng chức danh bác sỹ).
Đối với bác sỹ chính (hạng II) yêu cầu phải tốt nghiệp bác sỹ chuyên khoa cấp 1 hoặc thạc sỹ trở lên nhóm ngành y học (trừ ngành y học dự phòng). Bác sỹ chuyên khoa cấp 1 hoặc thạc sỹ trở lên ngành Răng-Hàm-Mặt cần có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bác sỹ hoặc có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (dùng cho các hạng chức danh bác sỹ).
Đối với bác sỹ (hạng III) yêu cầu phải tốt nghiệp bác sĩ nhóm ngành y học (trừ ngành y học dự phòng). Bác sỹ ngành Răng-Hàm-Mặt cần có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bác sỹ hoặc có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (dùng cho các hạng chức danh bác sỹ).
Thông tư số 03/2022/TT-BYT có hiệu lực kể từ ngày 10/6/2022.