Chính sách Ngành Giáo dục - Đào tạo và Y tế có hiệu lực từ tháng 10.

1. Tiêu chuẩn sử dụng ngoại ngữ đối với giáo viên phổ thông

Nội dung này được quy định tại Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục & Đào tạo ban hành.

Theo đó, tiêu chí sử dụng được ngoại ngữ (NN), hoặc tiếng dân tộc (DT) đối với giáo viên phổ thông đảm nhiệm vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng DT được chia thành các mức như sau:

Mức đạt: Sử dụng được từ ngữ giao tiếp đơn giản bằng NN (ưu tiên tiếng Anh), hoặc NN thứ hai (đối với giáo viên dạy NN), hoặc tiếng dân tộc đối với vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng DT;

Mức khá: Có thể trao đổi thông tin về những chủ đề đơn giản, quen thuộc hằng ngày, về giáo dục (ưu tiên tiếng Anh), hoặc NN thứ hai (đối với giáo viên dạy NN), hoặc tiếng dân tộc đối với vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng DT;

Mức tốt: Viết và trình bày được đoạn văn đơn giản, quen thuộc hằng ngày, về giáo dục (ưu tiên tiếng Anh), hoặc NN thứ hai (đối với giáo viên dạy NN), hoặc tiếng dân tộc đối với vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng DT.

Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 10/10/2018.

2. Quy định mới về tuổi của giám đốc trung tâm ngoại ngữ, tin học

Ngày 24/8/2018, Bộ GD&ĐT ban hành tạo ra Thông tư 21/2018/TT-BGDĐTvề Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học.

Theo đó, Thông tư 21 bỏ điều kiện về tuổi của giám đốc trung tâm tư thục khi bổ nhiệm lần đầu (quy định hiện hành là Giám đốc không quá 65 tuổi khi bổ nhiệm lần đầu).

Như vậy, Giám đốc trung tâm ngoại ngữ, tin học cần đáp ứng các điều kiện sau:

- Nhân thân tốt;

- Có năng lực quản lý;

- Có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo;

Ngoài ra, Giám đốc trung tâm ngoại ngữ tin học phải đáp ứng một trong hai điều kiện như sau:

- Tốt nghiệp đại học ngoại ngữ hoặc tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ ngoại ngữ tối thiểu bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ bậc 6 hoặc tương đương;

- Tốt nghiệp đại học tin học hoặc tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản theo Chuẩn kỹ năng sử dụng Công nghệ thông tin hoặc tương đương theo quy định.

Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 10/10/2018, thay thế Thông tư 03/2011/TT-BGDĐT ngày 28/01/2011.

3. Điều kiện công nhận trường THCS đạt chuẩn quốc gia

Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 18/2018/TT-BGDĐT Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia với trường THCS, THPT và trường phổ thông nhiều cấp học.

Theo đó, điều kiện để được công nhận là trường trung học THCS, THPT đạt chuẩn quốc gia quy định như sau:

- Có ít nhất một khóa học sinh đã hoàn thành Chương trình trung học;

- Có kết quả đánh giá ngoài đạt từ Mức 2 trở lên theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Quy định này; việc đánh giá mức độ sẽ dựa vào các tiêu chuẩn sau:

+ Tiêu chuẩn 1: Tổ chức và quản lý nhà trường;

+ Tiêu chuẩn 2: Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh;

+ Tiêu chuẩn 3: Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học;

+ Tiêu chuẩn 4: Quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội;

+ Tiêu chuẩn 5: Hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục.

Xem chi tiết tại Thông tư 18/2018/TT-BGDĐT (có hiệu lực từ ngày 10/10/2018).

4. Sửa đổi Thông tư 52/2017/TT-BYT về đơn thuốc và kê đơn thuốc

Ngày 22/8/2018, Bộ Y tế ban hành Thông tư 18/2018/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 52/2017/TT-BYT về đơn thuốc, kê đơn thuốc hóa phẩm, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú.

Trong đó, có những nội dung nổi bật như sau:

- Khi kê đơn thuốc đối với trẻ dưới 72 tháng tuổi ghi số tháng tuổi, cân nặng, tên bố hoặc mẹ của trẻ hoặc người đưa trẻ đến khám bệnh, chữa bệnh.

Như vậy, bỏ quy định phải ghi số CMND hoặc số căn cước công dân của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ.

- Quy định việc kê đơn thuốc cho người bệnh ung thư hoặc AIDS phải do bác sĩ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giường bệnh điều trị nội trú thực hiện; số lượng thuốc mỗi lần kê đơn không quá 10 ngày sử dụng.

Ngoài ra, Thông tư 18 cũng sửa đổi, bổ sung những Điều, Khoản sau của Thông tư 52:   

- Bổ sung Điểm c vào Khoản 2 Điều 14;

- Bổ sung Điểm đ vào Khoản 3 Điều 14;

- Thay thế Mẫu đơn thuốc quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 52/2017/TT-BYT bằng Mẫu đơn thuốc ban hành kèm theo Thông tư này.

Thông tư 18/2018/TT-BYT bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2018.

5. Thủ tục xin cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền

Nội dung này được hướng dẫn tại Thông tư 21/2018/TT-BYT quy định việc đăng ký lưu hành (ĐKLH) thuốc cổ truyền, dược liệu do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

Theo đó, cơ sở đề nghị xin cấp giấy ĐKLH thuốc cổ truyền phải thực hiện các bước sau:

- Nộp 01 bộ hồ sơ ĐKLH thuốc cổ truyền theo quy định tại Điều 15, 16, 17 Thông tư này đến Cục quản lý Y, Dược Cổ Truyền theo hình thức nộp trực tiếp, nộp qua bưu điện hoặc nộp trực tuyến;

- Khi nhận được hồ sơ, nếu thành phần hồ sơ đầy đủ và hình thức đạt yêu cầu, cơ quan tiếp nhận (CQTN) sẽ cấp Phiếu tiếp nhận hồ sơ; trường hợp nộp trực tiếp mà hồ sơ thiếu sót CQTN sẽ ra văn bản đề nghị bổ sung hồ sơ;

- Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, trong thời hạn 6 tháng đối với thuốc không phải thử lâm sàng và 12 tháng đối với thuốc phải thử lâm sàng, CQTN sẽ thực hiện các thủ tục:

+ Tổ chức thẩm định hồ sơ đăng ký;

+ Trình Hội đồng tư vấn cấp giấy ĐKLH thuốc cổ truyền đối với hồ sơ đạt yêu cầu;

+ Cấp giấy ĐKLH thuốc cổ truyền đối với hồ sơ đạt yêu cầu.

- Trường hợp không cấp Giấy ĐKLH thì CQTN phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Thông tư 21/2018/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 28/10/2018.

1 2 
Văn bản mới
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập