Đầu tháng 11, Chính phủ ban hành nhiều Nghị định có hiệu lực

1. Buộc ngân hàng phải giữ bí mật thông tin của khách

Ngày 11/9/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 117/2018/NĐ-CP về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo đó, nguyên tắc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gồm:

- Thông tin của khách hàng phải được giữ bí mật, chỉ được cung cấp theo quy định của pháp luật.

- Không được cung cấp thông tin xác thực khách hàng cho bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào trừ trường hợp được sự chấp thuận của khách hàng đó bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác theo thỏa thuận.

- Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân chỉ được yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng theo quy định pháp luật hoặc được sự đồng ý của khách hàng và phải chịu trách nhiệm về việc yêu cầu cung cấp thông tin.

- Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân phải giữ bí mật thông tin khách hàng, sử dụng thông tin đúng mục đích khi yêu cầu cung cấp và không được cung cấp cho bên thứ ba mà không có sự chấp thuận của khách hàng.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải lưu giữ, bảo quản thông tin khách hàng, hồ sơ yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng, việc giao nhận thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật.

Nghị định 117/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/11/2018 và thay thế thay thế Nghị định 70/2000/NĐ-CP ngày 21/11/2000.

2. 07 biểu mẫu dùng cho doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử

Ngày 12/9/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

Theo đó, bành hành kèm theo Nghị định là 07 biểu mẫu cần có khi sử dụng hóa đơn điện tử:

- Tờ khai đăng ký/thay đổi thông tin sử dụng hóa đơn điện tử (Mẫu số 01);

- Thông báo về việc chấp nhận/không chấp nhận sử dụng hóa đơn điện tử (Mẫu số 02);

- Tờ khai dữ liệu hóa đơn, chứng từ hàng hóa, dịch vụ bán ra (Mẫu số 03);

- Thông báo hủy hóa đơn điện tử (Mẫu số 04);

- Thông báo về hóa đơn điện tử cần rà soát (Mẫu số 05);

- Đề nghị cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế (Mẫu số 06);

- Thông báo về việc hết thời gian sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế qua Cổng TTĐT Tổng cục Thuế/qua ủy thác tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử; không thuộc trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế (Mẫu số 07).

Xem chi tiết tại Nghị định 119/2018/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2018).

3. Chính thức: Doanh nghiệp dưới 10 NLĐ miễn gửi thang, bảng lương

Đây là nội dung nổi bật được quy định tại Nghị định 121/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 49/2013/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật lao động 2012 về tiền lương.

Theo đó, doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động được miễn thủ tục gửi các hồ sơ sau cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp:

- Thang lương, bảng lương;

- Định mức lao động.

Ngoài ra, Nghị định còn quy định bổ sung vào Điều 8 Nghị định 49 về nguyên tắc xây dựng định mức lao động đoạn dẫn sau:

“Doanh nghiệp xây dựng định mức lao động làm cơ sở để trả lương cho người lao động được hưởng lương theo sản phẩm, đảm bảo các nguyên tắc sau đây:”

Nghị định 121/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/11/2018.

4. 05 trường hợp được sử dụng dịch vụ hóa đơn điện tử miễn phí

Đây là nội dung nổi bật tại Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

Theo đó, Tổng cục Thuế sẽ cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế không thu tiền đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh thuộc các trường hợp sau:

- Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ, cá nhân kinh doanh tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

- Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và hộ, cá nhân kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp (trừ doanh nghiệp nêu trên) trong thời gian 12 tháng kể từ khi thành lập doanh nghiệp.

- Hộ, cá nhân kinh doanh (trừ hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu năm trước liền kề từ 03 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp,… hoặc từ 10 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ).

- Doanh nghiệp nhỏ và vừa khác theo đề nghị của UBND tỉnh/thành phố trực thuộc TW và quy định của Bộ Tài chính (trừ Doanh nghiệp tại khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao).

- Các trường hợp cần thiết khác do Bộ Tài chính quyết định.

Nghị định 119/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/11/2018.

5. Các bước xử lý hóa đơn điện tử đã lập nhưng bị sai sót

Đây là nội dung nổi bật tại Nghị định 119/2018/NĐ-CP về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; theo đó, trong quá trình sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) mà phát sinh sai sót thì xử lý như sau:

- Đối với HĐĐT có sai sót sau khi cấp mã của cơ quan thuế

+ Trường hợp chưa gửi hóa đơn cho người mua

Bước 1: Người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế theo Mẫu số 04 về việc hủy HĐĐT có mã đã lập có sai sót.

Bước 2: Người bán lập HĐĐT mới, ký số, ký điện tử gửi cơ quan thuế để cấp mã hóa đơn mới thay thế hóa đơn đã lập để gửi cho người mua.

+ Trường hợp đã gửi hóa đơn cho người mua

Bước 1: Người bán và người mua phải lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót hoặc thông báo về việc hóa đơn có sai sót (nếu sai sót thuộc trách nhiệm của người bán) và người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế theo Mẫu số 04.

Bước 2: Người bán lập HĐĐT mới, ký số, ký điện tử gửi cơ quan thuế để cấp mã hóa đơn mới thay thế hóa đơn đã lập để gửi cho người mua.

+ Trường hợp cơ quan thuế phát hiện sai sót hóa đơn

Bước 1: Cơ quan thuế thông báo cho người bán theo Mẫu số 05 để người bán kiểm tra sai sót.

Bước 2: Người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế theo Mẫu số 04 về việc hủy HĐĐT có mã đã lập có sai sót trong thời gian 2 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan thuế.

Bước 3: Người bán lập HĐĐT mới, ký số, ký điện tử gửi cơ quan thuế để cấp mã HĐĐT mới thay thế HĐĐT đã lập để gửi cho người mua.

- Đối với HĐĐT không có mã của cơ quan thuế đã lập

+ Trường hợp hóa đơn đã gửi cho người mua có sai sót (do người bán hoặc người mua phát hiện)

Bước 1: Người bán và người mua phải lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, đồng thời người bán thông báo với cơ quan thuế theo Mẫu số 04 về việc hủy HĐĐT đã lập.

Bước 2: Người bán lập HĐĐT mới thay thế hóa đơn đã lập có sai sót gửi cho người mua, cơ quan thuế.

+ Trường hợp cơ quan thuế phát hiện có sai sót

Bước 1: Cơ quan thuế thông báo cho người bán theo Mẫu số 05 để người bán kiểm tra sai sót.

Bước 2: Người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế theo Mẫu số 04 về việc hủy HĐĐT không có mã của cơ quan thuế.

Bước 3: Người bán lập HĐĐT mới thay thế hóa đơn đã lập để gửi cho người mua, cơ quan thuế.

Nghị định 119/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/11/2018.

6. Hồ sơ thành lập chi nhánh cơ sở văn hóa nước ngoài ở Việt Nam

Đây là nội dung mới tại Nghị định 126/2018/NĐ-CP về thành lập và hoạt động của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam.

Theo đó, cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam đáp ứng điều kiện được thành lập chi nhánh cần chuẩn bị một bộ hồ sơ nộp tại Bộ VHTT&DL, bao gồm:

- Đơn đề nghị thành lập chi nhánh theo Mẫu 06 tại Phụ lục;

- Bản sao GCN đăng ký hoặc Giấy phép thành lập và hoạt động của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam;

- Báo cáo kết quả hoạt động của cơ sở kể từ khi được cấp GCN đăng ký hoặc giấy phép đến thời điểm thành lập chi nhánh;

- Lý lịch tư pháp (hoặc văn bản có giá trị tương đương) của người dự kiến được bổ nhiệm là người đứng đầu chi nhánh do cơ quan có thẩm quyền cấp và được hợp pháp hóa lãnh sự.

Các văn bản trong hồ sơ nếu bằng tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch tiếng Việt.

Nghị định 18/2001/NĐ-CP hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định 126/2018/NĐ-CP có hiệu lực (ngày 05/11/2018).

7. 07 trường hợp không được xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa

Đây là nội dung nổi bật tại Nghị định 122/2018/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu "Gia đình văn hóa"; "Thôn văn hóa", "Làng văn hóa", "Ấp văn hóa", "Bản văn hóa", "Tổ dân phố văn hóa".

Theo đó, nếu thành viên trong gia đình vi phạm một trong các trường hợp sau thì không được xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa:

- Bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.

- Không hoàn thành nghĩa vụ quân sự và nghĩa vụ nộp thuế.

- Bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng; phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường.

- Có tảo hôn hoặc hôn nhân cận huyết thống.

- Có bạo lực gia đình bị xử phạt hành chính.

- Mắc các tệ nạn xã hội, ma túy, mại dâm, trộm cắp, tổ chức đánh bạc hoặc đánh bạc.

- Tham gia tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Nghị định 122/2018/NĐ-CP có hiệu lực ngày 05/11/2018.

1 2 
Văn bản mới
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập