Việc Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh yêu cầu ngừng tiếp nhận người tị nạn đến Mỹ trong vòng 4 tháng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ nhiều phía.
|
Các cuộc biểu tình phản đối sắc lệnh của Tổng thống Trump diễn ra khắp nước Mỹ. |
Ngày 27/1 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh yêu cầu ngừng tiếp nhận người tị nạn đến Mỹ trong vòng 4 tháng và cấm nhập cảnh tạm thời đối với công dân từ 7 quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số, bao gồm Syria, Iraq, Iran, Somalia, Libya, Sudan và Yemen. Quyết định này không chỉ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nước theo đạo Hồi mà ngay cả trong chính giới Mỹ và từ các quốc gia châu Âu.
Quyền Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Sally Yates ngày 30/1 đã ra lệnh cho các đại diện pháp lý của bộ này không ủng hộ sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump. Động thái này thực chất chỉ mang tính biểu tượng vì Tổng thống Trump đã bổ nhiệm ông Jeff Sessions làm Bộ trưởng Tư pháp và đang chờ được Quốc hội thông qua.
Trước đó, ngày 29/1, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ John McCain cho rằng quyết định của Tổng thống Donald Trump là "khó hiểu" và đặt ra nhiều câu hỏi.
Trả lời phỏng vấn kênh CBS, ông McCain cho rằng ở một số khía cạnh, quyết định của ông Trump có thể tạo thuận lợi cho công tác tuyên truyền của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Ông cũng đặt câu hỏi về lý do Iraq nằm trong số 7 quốc gia Hồi giáo nêu trên, khi mà Washington đang sát cánh cùng Baghdad trong cuộc chiến chống IS.
Trong khi đó, thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell cho rằng Mỹ "cần thận trọng" khi thực hiện sắc lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump. Ông cho rằng người Hồi giáo là một trong những nguồn lực quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan.
Thủ lĩnh phe thiểu số tại Thượng viện, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chuck Schumer nói rằng phe Dân chủ đang cân nhắc đưa ra hành động pháp lý để lật ngược sắc lệnh này.
Cũng trong ngày 29/1, hàng nghìn người biểu tình đã tập trung bên ngoài Nhà Trắng, trong khi các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra tại nhiều thành phố và sân bay trên khắp nước Mỹ để phản đối sắc lệnh trên.
Tại thành phố New York, nơi được xem là biểu tượng của tự do và nhập cư, hàng nghìn người cũng tới tập trung tại Công viên Battery để phản đối sắc lệnh của ông Trump. Truyền thông Mỹ đưa tin các cuộc biểu tình còn diễn ra tại nhiều thành phố khác như Atlanta, Boston, Chicago, Los Angeles, Philadelphia và Seattle.
Cũng trong ngày 30/1, hàng chục nghìn người tại ít nhất 30 thành phố trên khắp nước Anh đã xuống đường biểu tình để phản đối sắc lệnh của Tổng thống Mỹ. Người biểu tình kêu gọi những người yêu chuộng hòa bình phản đối chính sách này.
Phản ứng của thị trường chứng khoán
Sắc đỏ đã bao phủ thị trường chứng khoán New York trong ngày đầu tuần 30/1 với việc chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm tới hơn 100 điểm và đây là ngày tồi tệ nhất đối với phố Wall kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi tháng 11 năm ngoái. Gần như tất cả các cổ phiếu trong chỉ số S&P 500 cũng đều mất điểm.
Tình trạng đồng loạt mất điểm này trái ngược hoàn toàn với trạng thái phấn khởi mà Phố Wall từng có sau ngày bầu cử 8/11/2016. Theo một số nhà phân tích và đầu tư, quyết định của Tổng thống Donald Trump tạm thời ngừng cấp thị thực nhập cảnh đối với 7 quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số là "thủ phạm" làm "tiêu tan" sự lạc quan trên thị trường chứng khoán Phố Wall.
Bị mất điểm nhiều nhất trong ngày 30/1 là các công ty hàng không và công nghệ. Cổ phiếu tài chính, từng tăng điểm khá mạnh kể từ sau ngày bẩu cử, cũng lao đao. Các nhà lãnh đạo một số tập đoàn công nghệ chỉ trích gay gắt lệnh cấm trên, đồng thời bày tỏ quan ngại rằng quyết định của Tổng thống Trump sẽ ảnh hưởng xấu tới nhân viên của họ.
Nhật báo phố Wall dẫn lời ông Jeff Klingelhofer, nhà quản lý quỹ của Công ty Quản lý Đầu tư Thornburg, cho biết triển vọng "không còn tích cực như người ta nghĩ ban đầu nữa". Các nhà đầu tư phải dự phòng cho cả tình hình tốt lẫn xấu và dự đoán lại về tác động của cuộc bầu cử đối với nền kinh tế Mỹ nói riêng và thế giới nói chung.
Về phần mình, Tổng thống Trump khẳng định rằng lệnh cấm của ông không nhằm vào bất kỳ tôn giáo nào mà chỉ hướng tới mục đích chống khủng bố vì sự an toàn của nước Mỹ. Ông cũng tái khẳng định rằng hơn 40 quốc gia Hồi giáo không bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh của ông.
Nguồn tin theo http://baochinhphu.vn/