Chè cổ thụ nơi đại ngàn

Đã bao thế hệ, đồng bào dân tộc Mông xã Tả Thàng luôn tự hào bởi nơi đây được thiên nhiên trao tặng báu vật trên những vạt đồi của các bản làng, đó chính là cây chè Shan tuyết cổ thụ. Chúng bám trụ hàng trăm năm và chắt chiu những dinh dưỡng từ đại ngàn để mang đến những phẩm trà hảo hạng. Điều này đã mang lại sự khởi sắc cho cuộc sống của đồng bào Mông nơi đây khi cây chè cổ thụ Tả Thàng ngày càng được nhiều nơi biết đến và trở thành điểm du lịch thu hút mọi du khách tìm về mỗi khi có dịp đến với Mường Khương.  

 

Những cây chè cổ thụ tại xã Tả Thàng

Tả Thàng là một xã vùng cao của huyện Mường Khương, nơi đây quanh năm được bao bọc bằng những lớp sương mờ cùng khí hậu lạnh giá khắc nghiệt. Vùng chè Shan tuyết cổ thụ Tả Thàng quần tụ thành rừng, xanh tốt quanh năm, những cây chè to lớn không biết có từ bao giờ được người dân nơi đây gìn giữ và phát triển thành một vùng chè đặc sản nổi tiếng.

Sở hữu hơn 16,5 ha diện tích cây chè Tuyết Shan cổ thụ, chúng phân bố rải rác ở một số thôn  Bản Phố, Tả Thàng, Sú Dí Phìn. Người dân nơi đây đã quá quen thuộc với những cây chè mang đậm bản sắc dân tộc mà ít nơi nào có được. Tại thôn Sú Dí Phìn có 48 hộ dân đều là người dân tộc Mông, mỗi gia đình đều sở hữu những cây chè cổ có niên đại đến hàng trăm năm tuổi. Những cây chè cổ to, gốc và thân cây rêu mốc, cành lá xum xuê, có nhiều cây cao lên đến hàng chục mét thẳng đứng như thể muốn hứng trọn những tinh chất quý từ đất trời. Để cho ra những phẩm trà tuyệt vời nhất thì công đoạn thu hái và sản xuất cũng hết sức độc đáo. Khi trời còn đắm chìm trong giấc ngủ bình yên thì những cô gái Mông đã đeo gùi lên núi thu hái những búp chè tươi mập mạp. Bởi theo kinh nghiệm từ của những người đi trước để lại, đây là thời điểm mà búp chè hội tụ hương vị tinh túy nhất. Với sự dẻo dai và quen với việc nương dẫy, việc trèo lên các cây chè cổ thụ để thu hái là chuyện dễ dàng đối với những cô gái ở bản này. Tuy hái như thế năng suất mang lại không cao nhưng lại mang đến nhiều giá trị kinh tế cho đồng bào các dân tộc nơi đại ngàn. 

 

  

Cô gái mông hái chè cổ thụ

Chè Cổ thụ không chỉ là nguồn lực phát triển kinh tế của người dân xã Tả Thàng mà nó còn là cây quý được bà con ví như báu vật. Chính vì vậy, hiện tại cây chè cổ thụ đang được người dân và chính quyền chung tay bảo vệ và quản lý để ngày càng mở rộng phát triển diện tích trồng chè. Trong đó lực lượng đoàn viên thanh niên đóng vai trò chủ lực trong việc bảo tồn, gìn giữ chè shan tuyết cổ thụ.

  

Đoàn thanh niên tham gia phát cỏ cùng bà con

Hiện nay chè cổ thụ Tả Thàng đã được xưởng sản xuất và phát triển thương hiệu chè Shan tuyết cổ thụ tại Mường Khương của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển trà Tiên Thiên thu mua với giá cả ổn định. Điều này đã thêm động lực để người dân tiếp tục gắn bó và mở rộng diện tích chè cổ thụ. Đặc biệt thực hiện Nghị quyết 10 của BTV Tỉnh uỷ về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hoá tỉnh Lào Cai bến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cây chè shan tuyết cổ thụ đã được cấp uỷ, chính quyền xã Tả Thàng lựa chọn là một trong những cây trồng chủ lực của xã. Phấn đấu đến năm 2025, toàn xã trồng mới 200 ha chè cổ thụ tại 03 thôn: Tả Thàng, Sú Dí Phìn và Bản Phố.

Đoàn thanh niên tham quan Công ty cổ phần đầu tư và phát triển trà Tiên Thiên tại xã Tả Thàng

          Những cây chè cổ thụ bao nhiêu năm vẫn cứ bám trụ trên vách núi, uống từng giọt sương rơi, tắm nắng sớm mai, chắt chiu từng nguồn dinh dưỡng từ mảnh đất nơi này đã tạo nên vị ngọt đậm đà và hương thơm đặc trưng không lẫn vào đâu được. Chè cổ thụ Tả Thàng sẽ là nơi khám phá lý tưởng mỗi khi du khách đến với con người và mảnh đất nơi đây. 

Phương Sửu – Cao Chung (6)
1 2 
Văn bản mới
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập