Mường Khương bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống
Mường Khương là huyện vùng cao biên giới có 23 dân tộc cùng sinh sống ở 157 thôn, tổ dân phố. Mỗi dân tộc có tiếng nói, nét văn hóa và phong tục, tập quán riêng. Những nét đẹp văn hóa đó là tài sản quý giá của đồng bào.
Trung tâm huyện Mường Khương

Cộng đồng các thôn trên địa bàn huyện Mường Khương là nơi lưu giữ các truyền thống văn hóa của mỗi dân tộc nhằm bảo tồn và phát triển, các ngành nghề truyền thống như: Dệt, thêu thổ cẩm, đan lát, nghệ thuật tranh cắt giấy…và các phong tục, tập quán như: Lễ hội Gầu Tào, múa khèn của người Mông; lễ cúng rừng của dân tộc Nùng, Thu Lao; Lễ tạ ơn trâu của đồng bào dân tộc Bố Y; xuống đồng của dân tộc Giáy…Sự giao lưu kinh tế, văn hóa của 23 dân tộc tạo nên một bản sắc văn hóa riêng của Mường Khương. Cộng đồng các dân tộc cư trú ở Mường Khương dù ít hay nhiều, dù đến Mường Khương vào các giai đoạn lịch sử khác nhau nhưng tất cả đều có tinh thần đoàn kết cao, cùng đấu tranh bảo vệ và xây dựng vùng biên cương của Tổ quốc; năng động, sáng tạo, có ý chí tự lập, tự cường, khắc phục khó khăn, kế thừa và phát huy những kinh nghiệm và thành quả đạt được trong lao động sản xuất, đấu tranh cải tạo tự nhiên, phát triển nền kinh tế, văn hóa, xã hội, đây thực sự là nguồn nội lực để Mường Khương phát triển trong tương lai. Công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn huyện đã từng bước được khôi phục, trong đó có 5 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia gồm: Lễ cúng rừng của người Thu Lao xã Tả Gia Khâu, nghề làm tranh cắt giấy của người Nùng Dín, Lễ tạ ơn trâu của người Bố Y, Lễ hội Gầu Tào của người Mông, trống trong nghi lễ của người Mông và 2 di sản vật thể đó là thắng cảnh Động Hàm Rồng, thắng cảnh Động Na Măng. Mường Khương có nhiều danh lam thắng cảnh, cảnh quan tự nhiên đẹp, giàu giá trị văn hóa, lịch sử đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho huyện phát triển một số loại hình du lịch: Sinh thái, tâm linh, khám phá thiên nhiên, văn hóa - lịch sử, tiêu biểu là Hang động Hàm Rồng (thị trấn Mường Khương), hang Na Măng (Pha Long) đã được xếp hạng di tích quốc gia; Đền mẫu Sảng Chải, Đền cây 2 (thị trấn Mường Khương), hang Nấm Oọc (xã Nấm Lư), hang Séo Tủng (xã Tung Chung Phố), thác Na Pao (xã Bản Lầu). Đặc biệt Mường Khương còn có các vùng trồng nguyên liệu, các sản phẩm nông nghiệp tập trung: Chè, chuối, dứa, quýt…tạo nên các sản phẩm đa dạng, phong phú. Ngoài ra trên địa bàn huyện còn có các chợ vùng biên: Bản Lầu, Pha Long, Trung tâm huyện, các chợ phiên mang nét đặc trưng vùng cao, là nơi hội tụ các hoạt động văn hóa truyền thống, là điều kiện phát triển du lịch cộng đồng các dân tộc. Tất cả các thôn, tổ dân phố hàng năm đều xây dựng và tổ chức thực hiện quy ước, hương ước về nếp sống văn hóa và các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Phong trào văn nghệ quần chúng được đẩy mạnh và phát triển.

Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông tổ chức tại xã Pha Long từ mùng 4 đến mùng 6 Tết tháng riêng
Múa ngựa giấy của người dân tộc Nùng thôn Văng Leng, xã Tung Chung Phố
Phong trào văn nghệ ở các xã, thị trấn ngày càng phát triển góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống
Trò chơi đu quay thu hút giới trẻ tham gia tại Lễ hội Gầu Tào xã Pha Long
Trò chơi bịt mắt bắt vịt thường được các xã tổ chức trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư tạo không khí vui tươi, sôi nổi
Các môn thể thao truyền thống phát triển rộng khắp ở các địa phương trong huyện
Thiếu nữ dân tộc Dao với bộ trang phục truyền thống
Các chàng trai, cô gái dân tộc Bố Y với trang phục truyền thống
Trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc trên địa bàn huyện tại Phiên chợ văn hóa vùng cao Mường Khương năm 2018
Những áng mây bồng bềnh đầu mùa thu quyến dũ nhìn từ xã Nấm Lư sang xã Tung Chung Phố
Thác nước Tà Lâm
Thác nước Páo Tủng
Dòng sông Chảy qua địa bàn xã Tả Thàng quyến rũ với làn nước trong xanh
Hấp dẫn những thửa ruộng bậc thang ở các xã vùng cao của huyện Mường Khương
Cửa Động Hàm Rồng cạnh tuyến đường Mường Khương - Pha Long
Hang Séo Tủng, xã Tung Chung Phố
Cảnh đẹp đồi chè ở xã Bản Sen
Nương chuối bát ngát là điểm tham quan lý thú cho người ưa trải nghiệm
Vùng trồng cây dứa ở xã Bản Lầu cũng là nơi tham quan lý tưởng

Với quan điểm bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống các dân tộc Mường Khương là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt; xây dựng văn hóa, con người Mường Khương là nền tảng, là mục tiêu, động lực để phát triển. Đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện; lưu giữ, phục dựng các giá trị văn hóa truyền thống, tăng cường các hoạt động văn hóa văn nghệ, dân ca dân vũ tạo không khí vui tươi, phấn khởi, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Thời gian tới, huyện Mường Khương tiếp tục quan tâm bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn. Thực hiện kiểm kê, phân loại di sản văn hóa phi vật thể, tập trung sưu tầm, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể nhóm dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một cao như: Nghệ thuật trình diễn dân gian dân tộc Mông (Múa khèn, múa gậy sinh tiền), tri thức dân gian của dân tộc Nùng (Nghệ thuật tạo hình, trang trí trên trang phục truyền thống), dân tộc Pa Dí (Nghệ thuật tạo hình trên trang phục truyền thống, hát dân ca), dân tộc Bố Y (Hát đồng giao), tiếng nói và chữ viết dân tộc Dao, dân tộc Thu Lao, múa ngựa giấy của người Nùng Dín… để làm cơ sở tiến tới lập quy hoạch phát triển di sản văn hóa phi vật thể của một số dân tộc điển hình trên địa bàn huyện. Tổ chức Hội diễn văn nghệ quần chúng toàn huyện, tham gia hội diễn văn nghệ quần chúng, liên hoan tuyên truyền lưu động do tỉnh tổ chức. Duy trì tổ chức hội thi văn hóa, thể thao tại 4 khu vực các xã của huyện. Tổ chức ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc huyện Mường Khương 5 năm một lần nhằm tuyên truyền, quảng bá, tôn vinh và khuyến khích phát triển các loại hình nghệ thuật, các môn thể thao dân tộc…Việc bảo tồn và phát huy triển văn hóa truyền thống đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch của huyện.

Mạnh Cường, Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Truyền thông huyện Mường Khương
1 2 
Văn bản mới
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập