Mường Khương nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống phục vụ phát triển du lịch
Mường Khương là huyện vùng cao biên giới, có 14 dân tộc sống đan xen ở 157 thôn bản, tổ dân phố. Trong đó mỗi dân tộc có nét văn hóa và phong tục tập quán riêng, đây cũng là vốn tài sản quý giá của đồng bào. Nhất là với những làn điệu dân ca và điệu múa đặc sắc của mỗi dân tộc đã làm nên các giá trị văn hóa truyền thống của mỗi tộc người.
Người Pa Dí ở Mường Khương vẫn còn giữ được “bí quyết” làm bộ trang phục truyền thống
Một mùa xuân nữa lại về trên những bàn làng nơi vùng cao, đất trời như được khoác trên mình tấm áo mới vừa tràn đầy sức sống lại vừa cổ kính rêu phong như càng tạo nên bề dày truyền thống văn hóa của vùng đất này.
Bên cạnh việc giữ gìn và bảo tồn nét độc đáo trên trang phục, người dân Pa Dí nơi đây còn nỗ lực gìn giữ làn điệu dân ca của đồng bào mình
Với mục tiêu bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện, đồng thời kiểm kê, phân loại được di sản vật thể của đồng bào các dân tộc. Tập trung sưu tầm, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể nhóm dân tộc thiểu số như: Mông, Nùng, Pa Dí, Tu Dí... có nguy cơ mai một về dân ca và chữ viết; vốn dân vũ trong đó có múa khèn, múa ngựa; vốn tri thức văn hóa dân gian, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống để làm cơ sở tiến tới lập quy hoạch di sản văn hóa phi vật thể của một số dân tộc điển hình trên địa bàn huyện. Đại hội Đảng Bộ huyện lần thứ XXIII đã xây dựng Đề án số 10 về “Xây dựng làng văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống phục vụ phát triển du lịch, giai đoạn 2016 - 2020”. Để thực hiện Đề án hiệu quả, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nội dung, kế hoạch thực hiện Đề án đến đông đảo cán bộ, nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện. Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Lễ hội Gầu Tào của đồng bào dân tộc Mông tại khu vực Pha Long luôn là điểm đến thu hút khách du lịch mỗi khi tết đến, xuân về
Ngoài việc bảo tồn và phát huy lễ hội đặc sắc như: lễ hội Gầu Tào của đồng bào dân tộc Mông, Lễ Tạ ơn trâu của đồng bào dân tộc Tu Dí, Lễ cũng rừng (cấm bang) của đồng bào các dân tộc trong huyện bằng việc tái hiện nguyên trạng các lễ hội từ địa điểm thời gian đến nghi lễ tổ chức, đối tượng tham gia và các vật phẩm liên quan trong nghi lễ nhằm bảo đảm tính cộng đồng và tín ngưỡng. Qua đó đã góp phần giữ gìn và thu hút khách du lịch đến với Mường Khương.Anh Trần Tiến Dũng, du khách đến từ Phú Thọ chia sẻ: “Mình đã đi du lịch khá nhiều nơi, tuy nhiên khi đến Mường Khương mình thấy người dân nơi đây vẫn còn lưu giữ được rất nhiều những nét bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo, thú vị. Không chỉ vậy con người nơi đây cũng rất gần gũi, thân thiện và mến khách. Nếu có cơ hội mình nhất định sẽ trở lại đây vào một ngày gần nhất”.
Từ năm 2016, huyện đã xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức “chợ đêm Mường Khương” qua đó, nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, các nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn huyện nhằm thu hút khách du lịch đến với Mường Khương. Đến năm 2017, huyện đã thành lập được Câu lạc bộ dân ca, dân vũ tại thôn Văn Leng xã Tung Chung Phố. Đồng thời lập danh sách các nghệ nhân và học viên chuẩn bị cho việc mở lớp truyền dạy dân ca, dân vũ và múa ngựa giấy. Cùng với đó huyện đã tập trung tuyên truyền đến đông đảo bà con nhân dân trong thôn Văng Leng thực hiện tốt công tác vệ sinh làng bản, đường làng ngõ xóm định kỳ 1 lần/tuần và đào các hố rác nhằm xử lý rác thải, giữ gìn, bảo vệ cảnh quan môi trường,nhằm xây dựng được một làng văn hóa truyền thống tại địa phương này. Đồng thời tổ chức thành công “Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc huyện Mường Khương lần thứ II năm 2017”; “Phiên chợ văn hóa vùng cao năm 2018”... Những hoạt động trên có ý nghĩa thiết thực, là dịp để quảng bá hình ảnh đất và người Mường Khương, nhất là những sản vật đặc trưng chỉ huyện Mường Khương mới có.
Tiết mục hòa tấu nhạc cụ kèn Pí Lè kết hợp với chiêng, trống của các nghệ nhân thôn Cốc Cái, xã Lùng Vai
Nhờ sự cố gắng nỗ lực của cả một tập thể đoàn kết, giàu truyền thống văn hóa đến nay, huyện Mường Khương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản phi vật thể cấp Quốc gia gồm: Lễ hội Gầu Tào, Lễ Tạ ơn trâu, Nghệ thuật tranh cắt giấy, Lễ cúng rừng của người Thu Lao xã Tả Gia Khâu, Trống trong nghi thức của người Mông; Di sản phi vật thể có động Hàm Rồng. Cùng với đó, các lễ hội truyền thống được duy trì tổ chức và ngày càng đi vào chiều sâu. Đồng thời thường xuyên tổ chức các chương trình dân ca, dân vũ ở các xã, thị trấn với các nội dung dân ca, dân ca giao duyên của từng dân tộc, các điệu múa, trò chơi dân gian... từ đó đã góp phần tạo nên một Mường Khương giàu bản sắc.
Hán Hiền,Phương Sửu - Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Truyền thông Mường Khương