Gương cô Yến - 24 năm gắn bó với Điểm trường vùng cao
Tại nhiều xã vùng cao của huyện Mường Khương, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất, điều kiện cho giáo viên, học sinh còn thiếu thốn. Tuy nhiên, với niềm yêu nghề, yêu học sinh, các cô giáo bám bản nơi đây đã vượt qua bao gian nan để tích cực ươm những mầm xanh trên những mảnh đất còn gian khó. Cô giáo Nguyễn Thị Yến - Điểm trường Sín Chải A xã Dìn Chin đã có 24 năm gắn bó với học sinh ở các điểm trường vùng cao, giành trọn cả tuổi thanh xuân vì sự nghiệp giáo dục huyện nhà là một điển hình như thế

     Để đến được Điểm trường Sín Chải A xã Dìn Chin, nơi cô Yến đang ngày ngày chăm chút và dành tâm huyết với trẻ em nơi đây, chúng tôi đã vượt hơn 20 km đường đèo, gập ghềnh, uốn lượn. Các trường tiểu học nhất là ở các Điểm trường vùng cao thường đối mặt với nhiều khó khăn cả về con người lẫn vật chất nhưng các cô giáo nơi đây vẫn luôn bám trụ với nghề tất cả vì chữ ‘‘Thương các em’’. Nhưng phải đến tận nơi thì mới có thể hình dung ra sự thiếu thốn, khó khăn ở nơi này và thấu hiểu được sự hy sinh tuổi trẻ, đời sống tinh thần, vượt qua những khó khăn trở ngại trong cuộc sống đồng hành cùng học sinh.

anh tin bai
Đường lên Điểm trường Sín Chải A xã Dìn Chin- huyện Mường Khương nơi cô giáo Yến hàng ngày dạy học

anh tin bai

Điểm trường Sín Chải A - Dìn Chin

    Cô Nguyễn Thị Yến sinh năm 1978, dân tộc Kinh, quê gốc ở Thanh Oai- Hà Tây- Hà Nội. Là người miền xuôi, cô lập gia đình trên Mường Khương và dạy học từ đó cho đến nay. Gắn bó với ngành giáo dục huyện nhà đã 24 năm trong nghề, phải nói cô giành cả tuổi thanh xuân của mình để gắn bó, dạy dỗ và yêu thương các em học sinh ở vùng cao. 24 năm công tác thì chủ yếu cô Yến dạy ở các điểm trường vùng cao khó khăn của xã Dìn Chin như: Điểm trường Cốc Cáng, Mào Sao Chải, Na Cổ và riêng Điểm Trường Sín Chải A cô đang dạy được 6 năm. Các em học sinh 100% là dân tộc Mông, trẻ ít được giao tiếp với xã hội nên vốn kiến thức về tiếng Kinh còn hạn chế. Giáo viên như cô cũng phải học thêm luôn cả tiếng của các dân tộc để có thể dạy các em.

anh tin bai

Cô Yến hàng ngày miệt mài, cần mẫm dạy học sinh

     Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cấp uỷ chính quyền huyện và ngành giáo dục huyện nhà, vài năm trở lại đây Điểm trường Sín Chải A - Dìn Chin đã được đầu tư, xây dựng, sửa chữa khang trang hơn không còn cảnh nhà gỗ sập xệ như trước đây. Với 2 lớp học tại Điểm trường (lớp 1 và lớp 2) có 18 học sinh dân tộc Mông, với 2 cô giáo công tác dạy học. Hệ thống đường điện, mạng quai phai mới được lắp đặt để phục vụ cho công tác trình chiếu, dạy học đổi mới; đường xá được bê tông giúp các cháu đi học thuận tiện hơn. Khó khăn hiện nay là phía các em học sinh khi nhiều em nhà còn có hoàn cảnh khó khăn, các em đến trường những ngày mùa đông giá rét với tấm áo mỏng, đôi chân trần vì rét. Ngày thường bố mẹ đi làm ăn xa, trong thôn chỉ có người già và trẻ con ở nhà nên việc dạy dỗ các em gần như là các cô giáo.

anh tin bai

Bó hoa rừng các em tặng cô ngày 20/11

     Khó khăn vẫn còn nhưng cuộc sống giáo viên cắm bản như cô Yến vẫn tràn ngập nụ cười vì tình yêu nghề, yêu các em. Cô Yến chia sẻ ‘‘Góp phần truyền thụ cho học sinh nơi vùng cao biết chữ, có tri thức để bước vào đời lập nghiệp là hạnh phúc của cô. Ai cũng chọn nơi trung tâm thuận lợi thì nơi khó khăn này ai sẽ mang chữ cho các em’’. Tuổi thanh xuân cống hiến cho “sự nghiệp trồng người”, hàng ngày cô Yến vẫn đi lại trong ngày vượt qua 20 cây số để đến điểm trường, sáng đi chiều về, ngày nắng thì đỡ vất vả nhưng những hôm trời mưa, sương mù trắng xoá thì cũng gặp khó khăn đi lại.  

anh tin bai

Căn phòng đơn sơ nơi cô Yến và các cô giáo ở Điểm trường sinh hoạt hàng ngày

    Trong công việc cũng như trong cuộc sống bản thân cô giáo Yến luôn gương mẫu và tích cực tham gia mọi phong trào và hoạt động của nhà trường. Trong tác chuyên môn cô Yến luôn tích cực trau dồi kiến thức, chịu khó nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo để đưa ra phương pháp giảng dạy dễ hiểu giúp các em học sinh nắm chắc từng con chữ, từng kiến thức cần thiết. Những em có hoàn cảnh khó khăn cô luôn ân cần, vỗ về chỉ bảo. Có lẽ để đáp lại tình thương yêu của cô mà sỹ số lớp luôn đầy đủ. Phụ huynh và học sinh yêu mến cô.

    Những đôi mắt trong sáng, nụ cười hồn nhiên của học trò luôn là động lực tiếp thêm sức mạnh cho cô Nguyễn Thị Yến, vượt qua khó khăn mà hoàn thành việc gieo con chữ cho các em học sinh trên mảnh đất Dìn Chin. Dẫu biết rằng trên con đường dạy học vùng cao còn gặp nhiều khó khăn, thế nhưng dù có chông gai đến đâu, có khó khăn đến nhường nào thì những người giáo viên cắm bản như cô Yến vẫn luôn vượt qua khó khăn, thách thức bởi cố biết đằng sau những khó khăn ấy là cả một tương lai tươi sáng đang chờ đón các em.

Mỹ Anh – Tùng Lâm
1 2 3 4 
Văn bản mới
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập